Cấm ngân hàng cho vay "ép" khách mua bảo hiểm

Nội dung bài viết

(SBLAW) Đã có quy định của pháp luật về việc ngân hàng bán chéo sản phẩm, góp phần giải quyết tình trạng người vay vốn bị "ép" mua bảo hiểm. Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua nghiêm cấm ngân hàng (NH) gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ dưới mọi hình thức. Bài viết bên dưới có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW về vấn đề trên. Mời quý khách theo dõi.

Khắc phục bất cập

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, quy định trên là một bước tiến quan trọng nhằm quản lý hoạt động bán bảo hiểm qua kênh NH được chặt chẽ hơn, góp phần chấn chỉnh, khắc phục những bất cập đã xảy ra trên thị trường trong thời gian gần đây.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) về việc cấm NH bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc sẽ góp phần giải quyết những rắc rối của hoạt động bảo hiểm thông qua NH.

Thực tế cho thấy nhiều người dân bị nhân viên của một số NH chào mời, ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi họ gửi tiết kiệm hoặc vay vốn. Thậm chí, có trường hợp đến NH vay 300 triệu đồng nhưng phải mua bảo hiểm tới 20 triệu đồng. Điều này thể hiện việc bán chéo các sản phẩm bảo hiểm đã thúc đẩy các NH, công ty bảo hiểm bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận.

Dưới góc nhìn khác, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH, cho rằng bất cứ loại hình kinh doanh nào cũng cần đặt sự công khai, minh bạch thông tin lên hàng đầu. Bởi lẽ, việc tư vấn mập mờ của nhân viên NH, nhân viên bảo hiểm đã dẫn đến tình trạng người dân gửi tiền trở thành người mua bảo hiểm. Còn người vay tiền lại bị nhân viên NH "ép" mua các sản phẩm bảo hiểm.

Theo ông Hiếu, gần đây, NH Nhà nước thường xuyên yêu cầu các NH thương mại không "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay tiền nhưng việc chấp hành còn hạn chế. Vì thế, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các NH cần nâng cao tính tuân thủ trong việc bán chéo sản phẩm bảo hiểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), đánh giá quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã tách bạch giữa các sản phẩm, dịch vụ của NH với sản phẩm bảo hiểm. Sự tách bạch này sẽ góp phần tạo nên minh bạch cho thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay nhân viên NH thường "lợi dụng" khó khăn của khách hàng để "ép" họ mua bảo hiểm. Còn người vay tuy biết mình bị ép nhưng phải chấp nhận mua vì đang cần tiền.

"Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm có quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nếu có bằng chứng NH "ép" mua bảo hiểm, người dân có thể kiện NH lên các cơ quan chức năng, xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Hà nói.

Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định ngân hàng không được bán bảo hiểm không bắt buộc
Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định ngân hàng không được bán bảo hiểm không bắt buộc ( Ảnh minh hoạ)

Nên có tầm nhìn dài hạn

Tuy vậy, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vẫn cho phép NH thương mại trong nước được hoạt động đại lý bảo hiểm, nếu phù hợp với quy định của NH Nhà nước về hoạt động đại lý bảo hiểm. Thế nên, dư luận xã hội dấy lên nỗi lo tình trạng người dân vay vốn NH bị "ép" mua bảo hiểm chưa chấm dứt, nếu công tác kiểm tra, giám sát không được thực hiện tốt.

Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết NH làm đại lý bán bảo hiểm là hoạt động bình thường ở nhiều quốc gia. Thế nhưng, thời gian qua, việc kiểm soát hoạt động tư vấn bảo hiểm ở nước ta chưa tốt, dẫn đến một số nhân viên lợi dụng vị thế của mình, lôi kéo người dân mua bảo hiểm. Do đó, ông Cường đề nghị cơ quan quản lý ngành NH, bảo hiểm cần tăng cường kiểm tra, giám sát để hoạt động bảo hiểm được thực hiện đúng quy định.

Tuy vậy, TS Nguyễn Quốc Việt vẫn lo ngại về lâu dài, việc "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn có thể biến tướng bằng các hình thức khác. Vì thế, theo ông Việt, các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, khung pháp lý để thị trường bảo hiểm phát triển đầy đủ, toàn diện, lành mạnh sẽ khắc phục được tình trạng NH lợi dụng vị thế của mình để buộc người vay tiền mua bảo hiểm.

"Những sự việc NH chào bán bảo hiểm trong thời gian gần đây cho thấy doanh nghiệp bảo hiểm đang nương nhờ hoạt động của các NH. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm chưa phát triển độc lập. Do đó, khi thị trường này phát triển toàn diện, minh bạch, người dân sẽ tự tin, mạnh dạn tham gia các sản phẩm bảo hiểm mà không lo ngại tư vấn mập mờ" - ông Việt nói.

Trước những vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm đã ký kết quy chế phối hợp với NH Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra và giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực bảo hiểm, bảo đảm hoạt động đại lý bảo hiểm đúng quy định của pháp luật.

Cần có tầm nhìn dài hạn và chế tài đủ mạnh
Cần có tầm nhìn dài hạn và chế tài đủ mạnh

Cần chế tài đủ mạnh

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó cần quy định rõ ràng, chi tiết về việc cấm NH gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ NH dưới mọi hình thức, để ngăn chặn triệt để tình trạng người dân bị "ép" mua bảo hiểm khi vay vốn. Đồng thời, Chính phủ có thể ban hành các quy định chế tài đủ mạnh đối với những hành vi vi phạm lĩnh vực bảo hiểm thông qua NH.

Tham khảo thêm >> Tư vấn tài chính ngân hàng

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan