Tranh chấp hợp đồng xây dựng xảy ra khi hai bên tham gia vào hợp đồng về thi công xây dựng không thể thống nhất một số điều khoản hoặc điều kiện. Tranh chấp có thể xuất hiện trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc sau khi hợp đồng đã được hoàn tất. Hiện nay, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng không hề hiếm gặp. Việc giải quyết những tranh chấp này trong thực tế được tiến hành theo nhiều cách khác nhau, bắt nguồn từ nguyên tắc cơ bản của quan hệ dân sự, tôn trọng quyền bình đẳng giữa các bên. Tranh chấp hợp đồng thi công rất đa dạng về hình thức xảy ra, có thể kể đến một số tiêu biểu như: tranh chấp không tuân thủ tiến độ công trình, tranh chấp về chất lượng công trình, tranh chấp về giá cả, tranh chấp về thay đổi phạm vị công việc...
Được xác định là một loại hợp đồng dân sự, việc giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng tôn trọng sự bình đẳng và sự thỏa thuận giữa các bên theo pháp luật. Các tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây dựng có thể được giải quyết thông qua phương thức như thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tại Tòa án.
Khoản 8 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 quy định:
“Nguyên tắc và trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được quy định như sau:
- a) Tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng và các cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng, bảo đảm bình đẳng và hợp tác;
- b) Các bên hợp đồng có trách nhiệm tự thương lượng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên hợp đồng không tự thương lượng được thì tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, trọng tài thương mại hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.”
Tuy có nhiều hình thức xảy ra, tuy nhiên về cơ bản, trình tự, thủ tục giải quyết qua các phương thức sau: giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng thông qua thương lượng; giải quyết trnah chấp hợp đồng xây dựng qua hòa giải; hoặc giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng tại Tòa án hoặc thông qua trọng tài thương mại.
Phương thức ưu tiên khi giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng là thương lượng. Phương thức này cho pháp các bên tự do thảo luận và đi đến thỏa thuận chung có lợi cho cả hai bên. Nhờ tính chất nội bộ, thương lượng đảm bảo bí mật thông tin và tiết kiệm chi phí so với các phương thức khác. Tuy nhiên, hiệu quả của thương lượng phụ thuộc vào thiện chí và sự đồng thuận của cả hai bên. Việc thực hiện kết quả thương lượng cũng dựa trên sự tự nguyện. Để tiến hành thương lượng, hai bên có thể liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp để trao đổi, thỏa thuận và giải quyết tranh chấp trong hợp đồng xây dựng.
Giống như thương lượng, hòa giải cho phép các bên tự do thỏa thuận và có thể sử dụng bên thứ ba (hòa giải viên) để đạt được thỏa thuận chung. Vai trò của hòa giải viên là hỗ trợ, điều hòa và giúp các bên trong tranh chấp tìm kiếm tiếng nói chung. Chi phí hòa giải cũng thấp hơn so với các phương thức giải quyết khác. Tuy nhiên, nhược điểm của hòa giải tương tự như thương lượng, phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí và sự tự nguyện của các bên tham gia. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua hòa giải được quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định 37/2015/ND-CP Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng:
“Trường hợp các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua hòa giải được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức hoặc một, một số cá nhân chuyên gia (gọi chung là ban xử lý tranh chấp), khi đó việc xử lý tranh chấp hợp đồng thông qua ban xử lý tranh chấp được quy định như sau:
- a) Ban xử lý tranh chấp có thể được nêu trong hợp đồng tại thời điểm ký kết hoặc thiết lập sau khi có tranh chấp xảy ra. Số lượng thành viên ban xử lý tranh chấp do các bên tự thỏa thuận. Thành viên ban xử lý tranh chấp phải là người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung tranh chấp, kinh nghiệm trong vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng và hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng xây dựng.
- b) Trong thời hạn hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày các bên nhận được kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp, nếu một bên không đồng ý kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp thì có quyền phản đối và các tranh chấp này sẽ được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật, trường hợp quá thời hạn nêu trên không bên nào phản đối kết luận hòa giải thì coi như các bên đã thống nhất với kết luận hòa giải. Khi đó, các bên phải thực hiện theo kết luận hòa giải.”
Tòa án thường là lựa chọn sau khi các phương thức khác như thương lượng và hòa giải không thành công. Khi tiến hành giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng qua tòa án, các bên sẽ phải tuân thủ theo quy định pháp luật tố tụng và sự phân xử của bên thứ ba là tòa án. Quy trình giải quyết tranh chấp tại tòa án bao gồm hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm. Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật, các bên vẫn có thể theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm để xem xét lại bản án. Điểm nổi bật của giải quyết tranh chấp bằng tại tòa án là tính công khai, minh bạch trong quá trình xét xử, thủ tục tố tụng chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho các bên tham gia.
Liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng, trước tiên cần xác định đối tượng các bên tranh chấp. Với trường hợp tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận được quy định tại Điều 30 Bộ Luật Tố tụng dân sự, thuộc loại tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau. Khi đó, căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền sẽ thuộc về tòa án nhân dân cấp huyện. Với trường hợp không thuộc loại nêu trên hoặc một trong các bên ở nước ngoài hoặc có tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thì sẽ thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp tỉnh. Bên cạnh việc giải quyết tranh chấp, các bên trong hợp đồng xây dựng cần lưu ý đến thời hiệu khởi kiện. Khoản 3 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định: “Thời hiệu khởi kiện theo thủ tục Trọng tài hoặc thời hiệu khởi kiện lên Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật.” Căn cứ vào Điều 429 Bộ luật dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là 03 năm. Thời gian tính bắt đầu từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Hiện nay, pháp luật quy định về thủ tục tố tụng tại tòa án chủ yếu được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và các văn bản khác. Theo đó, quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định như sau:
- Bước 1: Khởi kiện
- Bước 2: Thụ lý vụ án
- Bước 3: Hòa giải và chuẩn bị xét xử
- Bước 4: Xét xử sơ thẩm
- Bước 5: Xét xử phúc thẩm
- Bước 6: Giám đốc thẩm/tái thẩm
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Thương mại là đặc điểm điển hình trong lĩnh vực thương mại bởi do tính linh hoạt, tạo quyền chủ động giữa các bên, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và đảm bảo bí mật. Để lựa chọn phương thức này, các bên phải có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài dưới dạng một điều khoản trong hợp đồng xây dựng hoặc có một thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài riêng có hiệu lực độc lập với hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng xây dựng có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài vụ việc hoặc thông qua Trung tâm Trọng tài cụ thể. Quy trình giải quyết sẽ tuân theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010. Phán quyết của Trọng tài mang tính chính thức, chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành. Phán quyết có thể được đưa ra cơ quan thi hành án để cưỡng chế thi hành nếu một bên không tự nguyện thực hiện. Tuy nhiên, phán quyết của Trọng tài vẫn có thể bị xem xét lại hoặc hủy bỏ bởi Tòa án trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật.
Trong các mối quan hệ pháp luật, đặc biệt là những quan hệ có giá trị tài sản lớn như dự án xây dựng, sự tham gia của luật sư ngay từ những giai đoạn đầu ký kết hợp đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các bên tham gia hợp đồng, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro.
Với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao Công ty Luật SBLaw tự hào là đơn vị hàng đầu tư vấn và giải quyết các tranh chấp hợp đồng xây dựng, bao gồm các dịch vụ như:
- Đánh giá các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng xây dựng, tranh chấp hợp đồng xây dựng;
- Tư vấn phương án giải quyết tranh chấp;
- Tư vấn thu thập tài liệu, chuẩn bị chứng cứ;
- Đại diện đàm phán tranh chấp;
- Soạn thảo hồ sơ khởi kiện trong trường hợp khởi kiện;
- Bảo vệ tại Tòa án, trọng tài thương mại.
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng nói riêng và trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp nói chung, Công ty Luật SBLaw sẽ luôn đồng hành cùng khách hàng đi đến kết quả tốt nhất.
Tham khảo >> Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài