Trong những năm gần đây, nhu cầu thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu trên, Luật sư tại SB Law xin được đưa ra các tư vấn cho các thắc mắc của các độc giả như sau:
- Tôi là người Việt nhưng đã sống ở Pháp nhiều năm. Hiện nay, tôi được biết, người Việt Nam có nhu cầu rất cao về các sản phẩm bổ sung & chăm sóc sức khỏe (như omega 3, canxi, v.v.), đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em. Tôi muốn tham gia vào việc kinh doanh các sản phẩm này.
Xin hỏi: Nếu tôi muốn mở một công ty phân phối các sản phẩm nói trên từ Châu Âu đến người tiêu dùng, nhà thuốc tại Việt Nam, tôi cần giấy phép và giấy tờ gì?
Trả lời:
Trước hết cần xem xét bạn có còn quốc tịch Việt Nam hay không. Trường hợp bạn vẫn còn quốc tịch Việt Nam, việc đầu tư thành lập công ty tại Việt Nam của bạn được thực hiện theo quy định của pháp luật dành cho các nhà đầu tư trong nước.
Theo đó, để thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng, điều kiện đầu tiên bạn phải đảm bảo là phải đăng ký kinh doanh và được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tiếp theo đó, vì ngành nghề bạn dự định hoạt động là phân phối thực phẩm chức năng, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật đầu tư, theo đó, điều kiện để kinh doanh ngành nghề này theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành là bạn cần phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và bên bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký công bố sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền.
- Bạn tôi người Australia, anh ấy đang có nhu cầu thành lập công ty ở Việt Nam chuyên về thiết bị lặn, thám hiểm. Vậy tôi muốn biết anh ấy cần phải chuẩn bị những thủ tục gì?
Trả lời:
Với quốc tịch Australia bạn của bạn được coi là người nước ngoài, có nhu cầu thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị lặn, thám hiểm. Theo biểu cam kết gia nhập WTO của Việt Nam và quy định pháp luật trong nước hiện nay, thì nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập công ty để tiến hành hoạt động nhập khẩu và phân phối đối với thiết bị lặn, thám hiểm. Do đó, bạn của bạn có quyền thành lập công ty với 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Để thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, trước tiên, bạn của bạn cần phải có Đề xuất Dự án Đầu tư để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Sau khi được cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bạn của bạn cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty thành lập.
Trường hợp công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối theo hình thức bán buôn, bán lẻ (không thành lập cơ sở bán buôn, bán lẻ), bạn của bạn cần phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh tại Sở Công thương nơi Công ty có trụ sở.
Trường hợp công ty hoạt động trong lĩnh vực phân phối theo hình thức thành lập cơ sở bán lẻ thì bạn của bạn cần phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép cơ sở bản lẻ tại Sở Công thương nơi Công ty có cơ sở bán lẻ.
- Anh trai tôi là người nước ngoài muốn thành lập công ty ở Việt Nam. Xin hỏi anh tôi có cần phải có thời gian sống ở Việt Nam hay không? Anh tôi muốn đứng tên tư cách pháp nhân công ty nhưng không thể ở Việt Nam suốt thời gian dài mà chỉ có thể đi đi về về thì có vi phạm luật hay không?
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014, về nguyên tắc, doanh nghiệp luôn phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Như vậy, trường hợp anh bạn không thể cư trú ổn định tại Việt Nam, anh của bạn có thể cân nhắc 2 phương án sau:
- Phương án thứ nhất là đăng ký 2 người đại diện theo pháp luật khi thành lập công ty. Đối với trường hợp này, chỉ yêu cầu một trong hai người đại diện theo pháp luật có địa chỉ tạm trú/thường trú tại tại Việt Nam.
- Phương án thứ 2 là anh của bạn vẫn chỉ đăng ký một người đại diện theo pháp luật là anh của bạn, khi đó, khi xuất cảnh khỏi Việt Nam, anh của bạn phải có ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của mình. Trường hợp này, anh của bạn cần lưu ý là anh vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Vậy, có thể thấy việc thành lập công ty mà người đại diện theo pháp luật không thường xuyên ở Việt Nam trong thời gian dài về cơ bản là không vi phạm pháp luật.
4. Tôi là người nước ngoài muốn đầu tư và mở một công ty tại Việt Nam. Xin luật sư cho biết những lưu ý cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi thành lập công ty vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Trả lời:
Với tư cách là người nước ngoài có nhu cầu đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, anh cần lưu ý những điểm sau đây:
Về ngành nghề, lĩnh vực hoạt độngcủa mình: bạn cần xem xét ngành nghề mình dự kiến hoạt động thuộc nhóm ngành nghề nào theo quy định của các Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật của Việt Nam hay không. Nếu ngành nghề kinh doanh của bạn thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh cấm/hạn chế đầu tư tại Việt Nam thì bạn không thể thành lập công ty tại Việt Nam. Nếu ngành nghề kinh doanh của bạn thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì bạn phải đáp ứng các điều kiện đó khi tiến hành thủ tục thành lập công ty. Theo quy định biểu cam kết WTO và quy định pháp luật Việt Nam có một số ngành nghề kinh doanh, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% vốn góp, theo đó, nhà đầu tư phải liên doanh với cá nhân/tổ chức trong nước để thành lập công ty. Nếu ngành nghề kinh doanh của bạn thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh không có điều kiện thì bạn được phép thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Về địa chỉ trụ sở công ty: Địa chỉ trụ sở của công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với kế hoạch tổng thể của thành phố. Bạn cần lưu ý không được sử dụng chung cư để làm trụ sở công ty.
5. Xin luật sư cho biết Thủ tục thành lập công ty con tại Việt Nam?
Trả lời:
Bạn đã thành lập một công ty tại nước ngoài và giờ bạn muốn dùng công ty này để thành lập một công ty con tại Việt Nam. Để thành lập công ty con tại Việt Nam, trước tiên bạn cần xem xét ngành nghề kinh doanh mà bên bạn dự kiến đăng ký cho công ty con là gì. Trường hợp ngành nghề kinh doanh của bạn không thuộc nhóm ngành bị hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của các Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật của Việt Nam, bên bạn có thể thực hiện thủ tục thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thông thường, đối với một thủ thành lập một công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài sẽ cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Tất cả các hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam đều phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bởi Cơ quan đăng ký đầu tư. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là Sở kế hoạch và đầu tư nơi thực hiện dự án hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế trong trường hợp dự án đầu tư được thực hiện trong các khu này.
Bước 2: Thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh đến cơ quan có thẩm quyền để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty con mà bên bạn dự kiến thành lập. Bạn cũng cần lưu ý thành phần hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ phụ thuộc vào loại hình công ty mà bên bạn lựa chọn. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho bên bạn và công ty con của bên bạn chính thức được thành lập và đi vào hoạt động kể từ thời điểm này.
- Tôi là Giám đốc 1 Công ty TNHH chuyên đào tạo tiếng Anh. Hiện tôi không muốn đứng tên giám đốc công ty nữa và sẽ bổ nhiệm một người khác làm Giám đốc. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn có quyền kiểm soát với hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty. Tôi muốn mở 1 công ty mẹ để rót vốn và sở hữu công ty hiện hữu này. Việc này có khả thi không?
Trả lời:
Theo tôi hiểu thì Công ty bạn là công ty TNHH một thành viên. Đối với Công ty TNHH một thành viên người có quyền sở hữu và kiểm soát hoạt động kinh doanh và tài chính của công ty sẽ là chủ sở hữu công ty. Do vậy, nếu bạn là chủ sở hữu công ty, bạn có thể kiêm nhiệm cả chức vụ giám đốc hoặc thuê/bổ nhiệm người khác làm giám đốc. Khi bạn thuê/bổ nhiểm người khác làm giám đốc bạn vẫn có quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh với tư cách là chủ sở hữu công ty. Do vậy, bạn không nhất thiết phải thành lập ra một công ty khác.
7. Công ty e là công ty Cổ phần thành lập vào tháng 04/2010, nay muốn mở thêm 1 công ty nữa, vậy bên e có được thành lập Công ty con là công ty TNHH hay ko? Nếu được thì nên chọn cty TNHH MTV hay 2TV?
Trả lời:
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, thành viên của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên có thể là tổ chức, cá nhân. Như vậy, Công ty bạn có quyền thành lập Công ty con dưới loại hình Công ty TNHH. Việc lựa chọn Công ty TNHH một thành viên hoặc 2 thành viên sẽ phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất, kinh doanh và các yếu tố dưới đây:
- Nếu chỉ Công ty bạn đứng ra thành lập công ty con thì bạn phải lựa chọn loại hình Công ty TNHH MTV.
- Nếu Công ty bạn góp vốn với một cá nhân/doanh nghiệp khác thành lập công ty con thì bạn phải lựa chọn loại hình Công ty TNHH hai thành viên.