Doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, có hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.
Trước đây, theo quy định của Điều 18 Luật Công nghệ cao năm 2008 không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, để được ưu đãi như một doanh nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp phải chi 1% tổng doanh thu và 5% tổng lao động dành cho công tác nghiên cứu và phát triển. Chính vì vậy, khi sửa đổi Luật Đầu tư năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Điều 18 Luật Công nghệ cao năm 2008 ngay tại Luật Đầu tư năm 2014. Việc Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg về các Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, các tỷ lệ liên quan đến doanh thu và lao động dành cho công tác nghiên cứu và phát triển đã giảm một nửa so với quy định trước đây tại Điều 18 Luật Công nghệ cao 2008. Điều này đã tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp, các rào cản đối với khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao đã được tháo gỡ.
Căn cứ Điều 18 Luật Công nghệ cao năm 2008; Điều 75 Luật Đầu tư năm 2014 và Điều 1 Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg thì:
“Doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điểm a và b Điều 75 của Luật Đầu tư, đồng thời đáp ứng các tiêu chí cụ thể sau:
- Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm.
- Tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.
- Số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 5%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người”.
Như vậy, căn cứ vào quy định này thì tiêu chí để xác định doanh nghiệp công nghệ cao sẽ bao gồm các tiêu chí sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
Thứ hai, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành;
Thứ ba, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hàng năm;
Thứ tư, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.
Thứ năm, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 5% số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có nguồn vốn trên 100 tỷ đông và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5% nhưng không thấp hơn 15 người.
Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg cũng quy định các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2015 mà chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao thì thực hiện theo tiêu chí quy định tại Quyết định này. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.