Các hình thức lừa đảo trên mạng và cách phòng tránh

Nội dung bài viết

Từ vụ Mr. Pips lừa đảo người tham gia sàn chứng khoán ảo, trục lợi hơn 5.200 tỷ. Ngoài ra còn rất nhiều hình thức lừa đảo qua mạng xã hội khác. Dưới đây là nội dung Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời phỏng vấn truyền hình VTV về vấn đề Các hình thức lừa đảo trên mạng và cách phòng tránh như sau:

Luật sư có thể giải thích về các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến hiện nay không?

Trả lời:

Trong thời kỳ chuyển đổi số như hiện nay, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng Internet ngày càng đa dạng, tinh vi, đan xen cũ và mới khiến người dân nói chung khó có thể nhận diện. Theo Báo Chính phủ, cứ 220 người sử dụng điện thoại thông minh thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo, thiệt hại ước tính trong năm 2024 có thể lên đến gần 19 nghìn tỷ đồng. Gần đây, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra cảnh báo về một số hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến hiện nay.

Thứ nhất là lừa đảo qua các sàn giao dịch tài chính ảo. Đây là hình thức lừa đảo phổ biến và nguy hiểm, như trong vụ việc Mr. Pips, các đối tượng lừa đảo thường tạo ra các sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán quốc tế hoặc các kênh đầu tư tài chính không được cấp phép, quảng bá bằng những hứa hẹn “siêu lợi nhuận”. Với chiêu thức đánh vào lòng tham, chúng thu hút người tham gia bằng các chương trình hoa hồng hấp dẫn khi giới thiệu người mới. Khi số lượng người tham gia đạt ngưỡng lớn, chúng đột ngột đánh sập hệ thống hoặc cắt đứt liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền đầu tư. Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn cho nạn nhân mà còn làm mất lòng tin vào thị trường tài chính hợp pháp.

Thứ hai là lừa đảo thông qua các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Instagram. Đây được coi như là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng có hành vi xấu. Chúng thường giả danh người thân, bạn bè hoặc các nhân vật nổi tiếng để tiếp cận nạn nhân. Chúng đưa ra những lý do như vay tiền gấp, chuyển khoản nhầm, hoặc kêu gọi đóng góp từ thiện nhằm đánh vào lòng tin và sự đồng cảm của nạn nhân. Sau khi chiếm đoạt được tiền, chúng thường nhanh chóng khóa tài khoản hoặc cắt đứt liên lạc, khiến nạn nhân không thể truy tìm.

Tiếp theo, không thể không kể đến đó chính là hình thức lừa đảo, chiếm đoạt thông tin qua website giả mạo. Hình thức này ngày càng tinh vi với các website giả mạo ngân hàng, cơ quan nhà nước hoặc các thương hiệu lớn. Kẻ xấu sử dụng các email hoặc đường link có giao diện giống hệt trang web chính thống, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân như tài khoản, mật khẩu, mã OTP. Khi nạn nhân nhập thông tin, chúng sử dụng dữ liệu này để chiếm đoạt tài sản. Đây là loại hình lừa đảo gây ra những thiệt hại lớn và rất khó phát hiện nếu người dùng không cảnh giác.

Ngoài ra, còn có một hình thức lừa đảo rất phổ biến mà người Việt Nam hay dính phải trong những năm gần đây, đó chính là lửa đảo qua mô hình đa cấp trá hình. Bản chất của mô hình đa cấp không hề xấu nhưng chính những kẻ lừa đảo đã biến tướng nó thành một mô hình đặc biệt nguy hiểm, thường xuất hiện dưới dạng các dự án đầu tư siêu lợi nhuận trong các lĩnh vực như bất động sản, tiền điện tử hay thậm chí là các quỹ đầu tư quốc tế. Kẻ lừa đảo khuyến khích người tham gia nạp tiền và giới thiệu thêm thành viên để nhận hoa hồng. Tuy nhiên, thực chất đây là mô hình đa cấp trá hình, chỉ hoạt động dựa trên việc huy động vốn từ người mới. Khi không còn người tham gia, mô hình sẽ sụp đổ, và toàn bộ tiền đầu tư sẽ rơi vào tay những người đứng đầu.

Trước tình trạng trên, mỗi người dân cần phải nâng cao nhận thức và cẩn thận trong từng giao dịch trước muôn vàn các hình thức lừa đảo khác nhau, như là không cung cấp thông tin cá nhân trên các trang web không rõ nguồn gốc, kiểm tra kỹ thông tin đối tượng hay là báo cáo ngay với cơ quan chức năng ngay khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo.

Các hình thức lừa đảo trên mạng và cách phòng tránh - SBLAW
Các hình thức lừa đảo trên mạng và cách phòng tránh

Những quy định pháp luật nào đang được áp dụng để xử lý các hành vi lừa đảo trên mạng?

Trả lời:

Thứ nhất, xử phạt hành chính

Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Ngoài ra còn có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi trên.

Thứ hai, xử lý hình sự

Căn cứ theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Điều 174 Bộ luật này quy định về chế tài đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, tùy theo số tiền chiếm đoạt mà phải chịu các khung hình phạt khác nhau, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Quy định này áp dụng đối với hành vi lừa đảo có mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Các hình thức lừa đảo qua mạng như sử dụng internet, các ứng dụng mạng xã hội để lừa đảo tài chính, đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 290 Bộ luật này, mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

  1. Các nạn nhân của lừa đảo trực tuyến nên làm gì khi phát hiện mình bị lừa?

Trả lời:

Bước 1: Khách hàng cần làm đơn trình báo gửi cơ quan điều tra kèm theo chứng cứ chứng minh số tiền thiệt hại. Trong đơn nêu rõ số tiền, hành vi, thời điểm, các thông tin liên quan, tham gia sàn nào. Các chứng cứ có thể là tin nhắn, phiếu chuyển tiền (bản phô tô hoặc vi bằng) để gửi cho phía cơ quan tố tụng.

Bước 2: Các bị hại sẽ được xác định tư cách bị hại, được tham gia tố tụng (lấy lời khai, tham gia phiên tòa).

Bước 3: Sau khi có bản án phúc thẩm có hiệu lực, bị hại làm đơn yêu cầu thi hành án kèm theo bản án gửi đến Cục thi hành án để được hoàn trả lại tiền.

Luật sư có thể chia sẻ một vài trường hợp điển hình về lừa đảo trực tuyến đã được xử lý thành công?

Trả lời:

Lừa đảo trực tuyến ngày càng trở thành vấn đề nan giải trong xã hội hiện đại, khi các tội phạm lợi dụng sự phát triển của công nghệ và internet để thực hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tài sản từ người dân. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự cảnh giác của cộng đồng, nhiều vụ án lừa đảo trực tuyến đã được điều tra, xử lý thành công.

Một vụ việc đáng chú ý vào đầu năm 2024 là vụ việc triệt phá đường dây lừa đảo “ đầu tư tài chính” trực tuyến tại Đắk Lắk. Vào tháng 1/2024, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá một đường dây lừa đảo qua mạng xã hội. Chúng kêu gọi người dân tham gia “Đầu tư tài chính” với lời hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận cao. Các đối tượng đã tạo ra các nền tảng giả mạo, cung cấp thông tin không chính xác để thu hút người tham gia. Khi các nạn nhân đầu tư tiền vào, chúng đã không hoàn trả hoặc bỏ trốn. Theo điều tra, hơn 100 người đã bị lừa đảo, với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Cơ quan công an đã điều tra, thu thập chứng cứ và bắt giữ các đối tượng chủ mưu. Các thủ đoạn lừa đảo như vậy đã được đưa ra cảnh báo rộng rãi để người dân không mắc phải. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không tham gia vào các hình thức đầu tư không rõ ràng trên mạng.

Hay như vụ việc phá đường dây lừa đảo bán thuốc qua mạng với hơn 7000 bị hại, vào ngày 7/10/2023, Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá một đường dây lừa đảo qua mạng, mạo danh các bệnh viện lớn như Bệnh viện TW Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 để bán thuốc giả, không rõ nguồn gốc. Các đối tượng tạo các fanpage, website giả mạo để quảng cáo các sản phẩm thuốc chữa bệnh, khuyến khích người dân đặt mua. Mỗi người tham gia đều phải thanh toán trước, nhưng sau khi nhận tiền, các đối tượng không cung cấp hàng hóa hoặc giao sản phẩm kém chất lượng. Cảnh sát đã tiến hành điều tra, khám xét các địa điểm liên quan và thu giữ nhiều tài liệu chứng minh hành vi gian lận. Hơn 7.000 người dân đã bị lừa, và số tiền lừa đảo ước tính gần 50 tỷ đồng. Đường dây lừa đảo này đã bị triệt phá, và các đối tượng chủ mưu đã bị bắt giữ.

Một trường hợp khác cũng đáng chú ý vào ngày 27/12/2023 liên quan đến triệt phá đường dây lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng với quy mô hơn 6000 tỷ đồng. Công an tỉnh Hưng Yên đã triệt phá một đường dây lừa đảo trực tuyến quy mô lớn liên quan đến các hoạt động đánh bạc, chiếm đoạt tài sản thông qua các trò chơi trên mạng và các sàn giao dịch tài chính. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo người dân, chiếm đoạt hơn 6.000 tỷ đồng thông qua các giao dịch ảo và tiền điện tử. Cơ quan điều tra đã phối hợp với các đơn vị liên quan, sử dụng các biện pháp kỹ thuật để lần ra dấu vết của các đối tượng. Sau khi bắt giữ, các đối tượng chủ mưu đã bị đưa ra xét xử, và một số nạn nhân được hoàn trả lại phần nào tài sản đã bị lừa đảo.

Những vụ việc trên không chỉ phản ánh thực trạng của nạn lừa đảo trực tuyến đang diễn ra mạnh mẽ, mà còn là minh chứng cho sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, trang bị các kiến thức cơ bản về an toàn mạng để phòng tránh và bảo vệ tài sản cá nhân. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo mọi người cần thông báo kịp thời khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo và không tham gia vào các hoạt động đầu tư hoặc mua bán không rõ nguồn gốc trên internet.

Luat su Nguyen Thanh Ha - Chu tich cong ty luat SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Làm thế nào để xác định được một giao dịch trực tuyến là an toàn và hợp pháp?

Trả lời:

Để xác định một giao dịch trực tuyến có an toàn và hợp pháp hay không, điều đầu tiên bạn cần làm là hiểu rõ các hình thức lừa đảo phổ biến và cách phòng tránh. Dưới đây là cách nhận diện một số loại hình lừa đảo thường gặp mà độc giả nên đặc biệt lưu ý:

Thứ nhất, đối với hình thức lừa đảo qua các sàn giao dịch tài chính ảo. Đây là hình thức kẻ gian tạo ra các sàn giao dịch giả mạo, cam kết lợi nhuận cực cao và không có rủi ro, nhưng thực tế chỉ nhằm lừa người dùng nạp tiền. Họ thường yêu cầu bạn "nâng cấp tài khoản" hoặc đóng phí để "tăng cơ hội đầu tư". Để đảm bảo an toàn, hãy kiểm tra xem sàn giao dịch đó có được cấp phép bởi các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước hoặc Ủy ban Chứng khoán hay không. Nếu thông tin về pháp nhân mơ hồ, hoặc sàn không có địa chỉ liên lạc rõ ràng, tốt nhất là tránh xa.

Thứ hai, cần chú ý nhận diện tính hợp pháp của mô hình đa cấp. Mô hình đa cấp hợp pháp phải dựa trên giá trị thực của sản phẩm/dịch vụ, nhưng các tổ chức lừa đảo lại tập trung vào việc dụ dỗ nộp tiền hoặc tuyển thêm người để nhận hoa hồng. Nếu bạn được mời gọi tham gia một hệ thống mà nguồn thu nhập chính là từ "mời người khác", đây có thể là dấu hiệu lừa đảo. Hãy yêu cầu xem giấy phép kinh doanh và xác minh thông tin công ty qua cơ quan quản lý nhà nước. Một hệ thống kinh doanh hợp pháp luôn minh bạch và không ép buộc người tham gia đóng tiền.

Thứ ba, các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội và website giả mạo ngày một tinh vi hơn. Kẻ lừa đảo thường giả danh người thân hoặc cơ quan chức năng trên mạng xã hội để yêu cầu bạn chuyển tiền. Trong các trường hợp này, nguyên tắc đầu tiên là đừng vội vàng. Hãy liên lạc trực tiếp cho người thân hoặc trình báo với cơ quan được đề cập để xác minh thông tin. Với các website, bạn nên kiểm tra xem tên miền có chính xác không (tránh nhầm lẫn với tên miền giả mạo), và đảm bảo trang web sử dụng giao thức bảo mật "https://". Những trang web hợp pháp thường cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ và chính sách giao dịch rõ ràng.

Những biện pháp nào mà người dân có thể áp dụng để bảo vệ mình trước các hình thức lừa đảo trực tuyến?

Trả lời:

Thứ nhất, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào. Các hình thức lừa đảo trực tuyến rất tinh vi thể hiện qua một số phương thức như mời chào, yêu cầu người dân phải đăng ký dữ liệu cá nhân như CCCD, họ tên, số điện thoại, địa chỉ trên website lạ với mục đích thu thập thông tin để sử dụng trái phép. Đồng thời, kiểm tra kỹ thông tin trước khi cung cấp dữ liệu cá nhân: Trước khi điền thông tin cá nhân như số thẻ tín dụng, mật khẩu, hoặc thông tin ngân hàng trên các trang web, cần chắc chắn rằng website đó là chính thức và sử dụng kết nối an toàn (https://).

Thứ hai, cẩn trọng với các email và tin nhắn lạ: Không mở các liên kết, tệp đính kèm hoặc tải về phần mềm từ các nguồn không rõ ràng. Các email, tin nhắn mạo danh tổ chức ngân hàng, cơ quan chính phủ thường là chiêu trò lừa đảo.

Thứ ba, không chia sẻ thông tin mật khẩu và mã OTP, kể cả người thân. Việc xác nhận chính chủ qua mã OTP để đăng nhập, chuyển khoản trên các ứng dụng điện thoại rất phổ biến nhưng để bảo mật tốt hơn, nên sử dụng phần mềm bảo mật như cài đặt phần mềm diệt virus và cập nhật thường xuyên các bản vá lỗi bảo mật hệ điều hành, trình duyệt, và ứng dụng.

Thứ tư, người dân nên cẩn trọng nếu nhận được các thông báo lạ về trúng thưởng, yêu cầu thanh toán hay chuyển khoản, người dân nên xác thực thông tin từ các cơ quan chức năng hoặc website chính thức của các tổ chức liên quan; cảnh giác với các trang web bán hàng giá rẻ bởi nhiều trang web lừa đảo đưa ra các sản phẩm giá rẻ để thu hút người mua, sau đó không giao hàng hoặc gửi sản phẩm kém chất lượng. Nên kiểm tra đánh giá và phản hồi từ những người đã mua hàng.

Thứ năm, sử dụng các phương thức thanh toán an toàn: Hạn chế sử dụng chuyển khoản trực tiếp hoặc thanh toán qua các hình thức không được bảo vệ, mà nên sử dụng các dịch vụ thanh toán uy tín hoặc ví điện tử có chế độ bảo mật. Nên đổi mật khẩu thường xuyên và sử dụng mật khẩu mạnh. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra các giao dịch tài chính của mình, nếu phát hiện giao dịch lạ, cần thông báo ngay với ngân hàng để khóa tài khoản hoặc thẻ.

Nhận diện và cách phòng chống lừa đảo trên mạng xã hội
Nhận diện và cách phòng chống lừa đảo trên mạng xã hội

Nếu một người bị lừa đảo trực tuyến nhưng không có đầy đủ chứng cứ, họ có thể làm gì để được bảo vệ theo pháp luật?

Trả lời:

Thứ nhất, người dân vẫn cần phải liên hệ ngay lập tức với cơ quan chức năng bởi người tiêu dùng vốn là bên yếu thế, nên ngay cả khi không có đầy đủ chứng cứ, thì thay vì loay hoay, người dân vẫn cần phải liên hệ đến các cơ quan chức năng để quyền lợi của mình được đảm bảo tối đa. Người dân có thể báo cho công an Kinh tế hoặc công an Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao tại địa phương nơi người dân cư trú. Khi đó, người dân cần cung cấp thông tin chi tiết thời gian, số tiền, nội dung giao dịch và thông tin của đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng cổng thông tin trực tuyến của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia hoặc đường dây nóng 156.

Thứ hai, người dân cần tiếp tục thu thập bằng chứng bổ sung bằng tất cả khả năng có thể như: chụp lại ảnh màn hình tất cả tin nhắn, email, thông tin liên hệ, và giao dịch liên quan; lưu trữ không loại trừ các thông tin giao dịch như biên lai thanh toán, số tài khoản nhận tiền, hoặc thông tin ví điện tử; ...

Thứ ba, người dân có thể tìm kiếm hỗ trợ pháp lý từ luật sư, đặc biệt là những luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực về tội phạm công nghệ cao để được hướng dẫn về cách thu thập chứng, hay trình tự, thủ tục tố giác tội phạm công nghệ cao.

Thứ tư, nếu có thể, người dân yêu cầu hỗ trợ từ bên thứ ba, mà cụ thể là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, các trang mạng xã hội, nhà cung cấp email xác minh danh tính và hành vi của các đối tượng lừa đảo.

Trong trường hợp phát hiện bị lừa đảo, thời gian tố giác và thu thập bằng chứng có quan trọng không? Nếu có, tại sao?

Trả lời:

Thứ nhất, việc tố giác kịp thời sẽ giúp ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp khác, cơ quan chức năng hoặc ngân hàng có thể phong tỏa tài khoản của đối tượng lừa đảo, ngăn chặn hành vi tiếp tục lừa đảo các nạn nhân khác.

Thứ hai, việc thu thập chứng cứ càng kịp thời thì khả năng thu thập chứng cứ khách quan, có giá trị chứng minh cho hành vi lừa đảo của các đối tượng càng cao. Mặt khác, đối với các dữ liệu kỹ thuật số mang đặc trưng dễ bị xóa như tin nhắn, lịch sử giao dịch, hoặc thông tin tài khoản của kẻ lừa đảo có thể bị thay đổi, xóa bỏ hoặc biến mất theo thời gian thì việc thu thập chứng cứ kịp thời càng đóng vai trò quan trọng. Thêm vào đó, việc tố giác và thu thập chứng cứ nhanh chóng cũng góp phần thúc đẩy quá trình xác định dấu vết giao dịch của các đối tượng lừa đảo, từ đó thu thập bằng chứng hiệu quả hơn.

Như vậy, thời gian của việc thu thập chứng và tố giác đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nạn nhân của những đối tượng lừa đảo về thông tin cá nhân. Việc tố giác và thu thập chứng cứ sớm sẽ giúp ngăn chặn nhanh nhất có thể việc những đối tượng lừa đảo sử dụng danh tính của nạn nhân cho mục đích bất hợp pháp

Luật sư có nhận định gì về sự phát triển và biến tướng của các hình thức lừa đảo trên mạng trong thời gian tới? 

Trả lời:

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và mạng internet mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho các hành vi lừa đảo trực tuyến.

Các hình thức lừa đảo hiện nay đang ngày càng gia tăng, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và deepfake sẽ làm tăng khả năng tạo ra các tài liệu, giọng nói, và video giả mạo khó phát hiện. Còn đối với việc lừa đảo qua email, mạng xã hội, hoặc tin nhắn, các đối tượng có thể sử dụng chatbot AI để tương tác với nạn nhân theo cách chân thực hơn. Về phạm vi, lừa đảo không chỉ nhắm vào cá nhân mà còn tấn công doanh nghiệp, tổ chức tài chính, với các chiêu trò như lừa đảo CEO hoặc tấn công chuỗi cung ứng. Các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi hoặc người thiếu hiểu biết về công nghệ sẽ là mục tiêu chính. Hơn thế nữa, trên các mạng xã hội hiện nay như Facebook, Instagram, TikTok, hoặc các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Zalo, các đối tượng cũng thường xuyên giả dạng thành người thân, bạn bè để có thể vay tiền hay đánh cắp thông tin của người dùng. Đặc biệt các đối tượng thường khai thác tâm lý của người dùng để thực hiện các hành vi lừa đảo qua việc giả mạo trúng thưởng, tuyển dụng, hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để lợi dụng sự tham lam, sợ hãi, hoặc cả tin của nạn nhân, hay như như giả mạo cơ quan chức năng, đe dọa liên quan đến pháp luật.

Không chỉ có các đối tượng cá nhân mà hiện còn có các nhóm tội phạm mạng xuyên quốc gia, tổ chức quy mô lớn để có thể thực hiện các chiến dịch lừa đảo hàng loạt. Do đó Pháp luật và công nghệ bảo mật sẽ phải liên tục cập nhật để đối phó với các biến tướng của lừa đảo. và Ý thức của người dùng cũng cần được nâng cao thông qua giáo dục và các chiến dịch tuyên truyền về an ninh mạng.

Tóm lại, trong thời gian tới các hình thức lừa đảo sẽ có thể diễn biến phức tạp hơn với nhiều hình thức khác nhau, để đối phó với các hình thức lừa đảo đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan pháp luật, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ, và người dân nhằm xây dựng một môi trường mạng an toàn hơn.

Vai trò của các cơ quan chức năng và nhà mạng trong việc phòng chống lừa đảo trực tuyến hiện nay như thế nào?

Trả lời:

Về vấn đề phòng chống lừa đảo trực tuyến hiện nay, các cơ quan chức năng và nhà mạng đều có những vai trò quan trọng riêng và hỗ trợ cho nhau.

Thứ nhất về vai trò của cơ quan chức năng:

  • Các cơ quan chức năng có vai trò xây dựng và thực thi pháp luật: Các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), và các cơ quan tư pháp chịu trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh các hành vi trên không gian mạng, bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi lừa đảo trực tuyến.
  • Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cũng có nhiệm vụ và vai trò trong việc cảnh báo và tuyên truyền đến người dân: Các cơ quan như Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) thường xuyên đưa ra cảnh báo và thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mới. Đồng thời, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tránh rơi vào bẫy lừa đảo trực tuyến.
  • Điều tra và xử lý tội phạm: Các lực lượng chuyên trách như Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thường xuyên tiến hành điều tra, truy quét các đường dây lừa đảo qua mạng. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài nước cũng được đẩy mạnh để xử lý các vụ án có yếu tố quốc tế.

Thứ hai về vai trò của nhà mạng:

  • Nhà mạng đóng vai trò quan trọng trong việc Phát hiện và chặn các hành vi lừa đảo: Các nhà mạng như Viettel, VNPT, MobiFone thường xuyên theo dõi và phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo (ví dụ: giả danh cơ quan nhà nước, ngân hàng). Các dịch vụ cảnh báo tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo đã được triển khai để bảo vệ người dân.
  • Phát triển công nghệ bảo mật: Nhà mạng đầu tư phát triển các hệ thống lọc, chặn tự động các tin nhắn, đường link giả mạo hoặc website lừa đảo dựa trên cơ sở dữ liệu liên tục cập nhật từ các cơ quan chức năng.
  • Cảnh báo người dùng: Các nhà mạng gửi thông báo qua tin nhắn hoặc ứng dụng về các hình thức lừa đảo mới, đồng thời hướng dẫn người dùng cách nhận diện và phòng tránh.
  • Hỗ trợ cơ quan chức năng điều tra: Nhà mạng cung cấp dữ liệu liên quan đến các cuộc gọi, tin nhắn, hoặc địa chỉ IP để hỗ trợ cơ quan công an truy vết và xác định danh tính các đối tượng lừa đảo.

Từ đó có thể thấy được, các bên có vai trò riêng biệt nhưng đều hỗ trợ lẫn nhau trong việc phòng chống lừa đảo trực tuyến hiện nay.

Tham khảo thêm >> Tư vấn luật công nghệ thông tin và truyền thông

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan