Các tập đoàn viễn thông Trung Quốc đang ráo riết thành lập một quỹ vận động cấp giấy phép độc quyền sáng chế nhằm tạo lợi thế trong trận chiến pháp lý với các hãng chế tạo điện thoại thông minh trên thế giới.
Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, công ty ZTE và công ty Huawei - hai nhà chế tạo thiết bị truyền hình hàng đầu Trung Quốc - chiếm giữ phần lớn các ứng dụng được chứng nhận bằng sáng chế quốc tế. ZTE sở hữu 1.863 bằng sáng chế khác nhau giữ vị trí thứ hai thế giới năm 2010. Còn Huawei - từng ở vị trí hàng đầu vào năm 2009 - đã tụt xuống vị trí thứ tư với 1.528 ứng dụng trong năm ngoái.
Theo chỉ số bằng sáng chế thế giới Derwent Thomson Reuters, hầu hết các lĩnh vực ngành nghề ở Trung Quốc đều bắt đầu sở hữu nhiều bằng sáng chế - năm 2010 Trung Quốc có 313.854 giấy phép được đăng ký trong nước, tăng 12% so với năm 2009.
Số lượng đơn đăng ký mà văn phòng cấp bằng sáng chế Trung Quốc công bố tăng trung bình 16,7% hàng năm, từ 171.000 năm 2006 lên đến gần 314.000 năm 2010, vượt Hàn Quốc và châu Âu nhưng vẫn xếp sau Nhật Bản (337.497) và Mỹ (326.945). Nhật Bản từng là nước lưu giữ bằng sáng chế dẫn đầu trên thế giới trong thập kỷ vừa qua, nhưng dần thu hẹp với khối lượng ứng dụng giảm 12% kể từ năm 2006. Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng 83%.
Số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế ở Trung Quốc dự kiến sẽ lên đến gần 500.000 vào năm 2015, tiếp theo là Mỹ với gần 400.000 và Nhật Bản gần 300.000.
Mục tiêu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là chuyển từ việc các sản phẩm "được sản xuất tại Trung Quốc" sang "được thiết kế ở Trung Quốc”.
Tổng số các bằng sáng chế nộp tại Trung Quốc đã tăng gần 73% trong năm 2010, so với 52% trong năm 2006. Điều này cho thấy sự bùng nổ bằng sáng chế trong các công ty Trung Quốc.
Đặc biệt, tham gia vào lĩnh vực viễn thông của Trung Quốc có rất nhiều công ty như ZTE và Huawei, cùng với HTC. Các công ty này đã chuyển từ nhà sản xuất theo hợp đồng cho nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài sang chế tạo điện thoại thông minh và máy tính bảng dưới thương hiệu của chính mình.
Elliot Papageorgiou - một nhân viên của công ty luật sở hữu trí tuệ Rouse ở Thượng Hải - nói : “Nhiều bí quyết sản xuất bị tuồn ra ngoài qua các nhà sản xuất hợp đồng. Theo lôgic, các nhà sản xuất hợp đồng này sẽ làm gia tăng chuỗi giá trị". Một khi tăng chuỗi giá trị, họ sẽ sử dụng các giấy phép độc quyền sáng chế để bảo vệ tri thức và ý tưởng được chọn khi còn là các nhà sản xuất hợp đồng để họ có được chỗ đứng trên thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt này.
Nảy sinh nhu cầu về luật sư sở hữu trí tuệ
Xu hướng các doanh nghiệp Trung Quốc muốn sở hữu bằng sáng chế làm nảy sinh nhu cầu luật sư về lĩnh vực này - việc làm mà trước đây nhiều doanh nghiệp coi thường. Anhthony Chen, một luật sư về độc quyền sáng chế cho Jones Day tại Thượng Hải đã nói: “Vào năm ngoái, và đặc biệt là năm nay, nhu cầu về sở hữu trí tuệ (IP) đang tăng rất nhanh”.
Douglas Clark, một luật sư chuyên về các vụ kiện quyền sở hữu trí tuệ - người đã làm việc ở Trung Quốc kể từ năm 1993 - cho rằng quy mô ngành công nghiệp này đã mở rộng trong những năm gần đây. “Ngay từ 10 năm trước số lượng các doanh nghiệp và tổ chức thuê luật sư IP không ngừng lớn mạnh. Các luật sư thuộc tốp đầu có sự cạnh tranh rất lớn về năng lực và tiền lương”. Ông ước tính một luật sư IP trong một công ty luật quốc tế ở Trung Quốc bây giờ có thể hy vọng kiếm khoảng 1 triệu USD đến 2 triệu USD phụ thuộc vào việc công ty của họ làm tốt như thế nào trong năm. Các luật sư trong một vài doanh nghiệp Trung Quốc có thể kiếm thậm chí còn hơn thế.
Những trận chiến pháp lý
Quy mô các danh mục bằng sáng chế gia tăng cũng đồng nghĩa với việc gia tăng các cuộc kiện tụng, tranh chấp. Hồi tháng 4/2011, ZTE đã phát đơn kiện tại Trung Quốc với lý do Huawei xâm phạm công nghệ thế hệ thứ tư của mình. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Huawei kiện ZTE ở một vài nước châu Âu vì cho rằng đối thủ đã xâm phạm một loạt bằng sáng chế của mình.
Luật sư Chen thuộc Jones Day nói: "Huawei và ZTE đã kiện tụng nhau ở châu Âu và bây giờ đang tiếp tục ở Trung Quốc bởi vì hoạt động kinh doanh sản phẩm truyền thông di động đang phát triển và bây giờ họ đang sử dụng các bằng sáng chế như một công cụ cạnh tranh".
Những vụ kiện tụng này không có gì là mới, khi những đối thủ quốc tế như Apple, Google và Samsung đang cố gắng sử dụng một kho giấy phép sáng chế để làm vũ khí áp đảo sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh toàn cầu.
Bản hợp đồng lớn nhất của Google cam kết mua công ty cổ phần di động Motorola hồi tháng 8 với giá 12,5 tỷ USD là cả một sự nỗ lực chống lại những cuộc tấn công pháp lý dữ dội từ đối thủ như tập đoàn Apple.
Thúc đẩy cải cách ở Trung Quốc
Việc gia tăng bằng sáng chế không chỉ cho thấy Trung Quốc đang phát triển trong lĩnh vực viễn thông, mà còn bộc lộ một sự thay đổi quan điểm của nước này về việc sở hữu trí tuệ. Mặc dù thay đổi là rất khó, nhưng ít nhất Trung Quốc đang dần chú ý đến các ý tưởng và nguồn gốc sản phẩm hơn là sao chép và sản xuất hàng loạt.
Theo Tòa án nhân dân Tối cao của Trung Quốc, số các trường hợp sở hữu trí tuệ cá nhân hợp pháp đã được đăng ký ở Trung Quốc tăng khoảng 37%, lên đến 41.718 hồ sơ vào năm 2010. Đây là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc để trở thành một nước phát triển công nghệ cao, với mục tiêu đến năm 2020 sẽ dành 2,5% GDP cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Trung Quốc đang cố gắng đạt mục tiêu này bằng cách hỗ trợ chi phí bản quyền cho các công ty và nghiêm ngặt hơn đối với việc thực thi các cam kết sở hữu trí tuệ.
(sblaw theo Reuters)