Câu hỏi:
Kính gửi Luật sư của SB Law,
Hiện bên em đang có sự việc như sau, nhờ anh nghiên cứu và tư vấn hướng giải quyết giúp em:
- Ngày 20/6/2024 một nhân viên của công ty em đã tác dụng lực quá mạnh vào bảng điều khiển thang máy của tòa nhà nơi chúng tôi thuê văn phòng làm việc. Dẫn đến việc thiết bị nứt và hư hỏng không thể sử dụng được.
- Ban quản lý tòa nhà (BQL) đã liên hệ với đại diện Công ty và Công ty đã có buổi làm việc giữa Ban quản lý - Đại diện công ty - Nhân viên. Trong buổi làm việc, BQL đã đưa ra trích xuất camera quá trình làm hư hỏng thiết bị của bạn nhân viên và nhân viên đã ký xác nhận biên bản làm việc.
- Sau khi tham khảo ý kiến với nhà cung cấp thang máy Schindler, BQL đưa ra phương án giải quyết và gửi cho bên em báo giá thay thế thiết bị của thang máy bị hư hỏng. Tổng chi phí: 76.039.810 VNĐ.
Nhờ luật sư tư vấn hướng làm việc với tòa nhà, liệu bên Công ty em có phải đền 100% giá trị sản phẩm không? Hiện tại, BQL mới gửi báo giá thiết bị và yêu cầu Công ty giải quyết sự cố này.
Trả lời:
Dựa trên thông tin mà Công ty cung cấp, SB Law đánh giá rằng chưa có đủ căn cứ pháp lý rõ ràng để BQL Tòa nhà yêu cầu Công ty phải bồi thường thiệt hại, cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo Phụ lục của Hợp đồng thuê, “hệ thống thang máy/bảng điều khiển thang máy” không có trong danh mục trang thiết bị được bàn giao. Do đó có thể hiểu rằng Công ty không được bàn giao/tiếp nhận “bảng điều khiển thang máy”. Trong khi đó, Hợp đồng thuê cũng không có quy định cụ thể về việc Bên thuê phải bồi thường đối với hành vi của người lao động của Bên thuê làm hủy hoại tài sản không phải là tài sản thuê.
Thứ hai, căn cứ Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015, Công ty phải bồi thường thiệt hại do nhân viên của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được Công ty giao. Tuy nhiên, không có căn cứ rõ ràng để chứng minh rằng khi thực hiện hành vi “tác dụng lực” tới bảng điều khiển thang máy, bạn nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ do Công ty giao.
Thứ ba, tuy có video ghi lại quá trình nhân viên “tác dụng lực” lên bảng điều khiển, nhưng không thể khẳng định rằng hành vi “tác dụng lực” của bạn nhân viên là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất dẫn đến việc hư hỏng thiết bị (bởi có thể bảng điều khiển đã bị hư hỏng trước đó). Để làm rõ cần vấn đề này, SB Law khuyến nghị Công ty thỏa thuận với Bên cho thuê để tiến hành trưng cầu giám định kỹ thuật về nguyên nhân thiết bị hỏng hóc. Mặc dù vậy, công ty cũng cần lường trước rủi ro việc giám định cũng có thể đem lại bất lợi với công ty nếu kết quả giám định thể hiện thiết bị hỏng hóc do tác động lực trực tiếp của bạn nhân viên.
Tổng kết lại, SB Law khuyến nghị Công ty yêu cầu Bên cho thuê đưa ra căn cứ pháp lý và bằng chứng cụ thể khi đưa ra yêu cầu Công ty phải bồi thường thiệt hại do hành vi của bạn nhân viên gây ra.
Mời quý khách tham khảo >> Tư vấn pháp luật thường xuyên |