Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình thông tấn về vấn đề: Bitcoin không được công nhận là phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết bài phỏng vấn:
Câu 1: Trong câu chuyện ngày hôm nay, luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty Luật S&B sẽ thông tin thêm tới quý vị về tính pháp lý của bitcoin ở Việt Nam. Thưa luật sư Hà, cá nhân ông gọi bitcoin là gì?
Luật sư trả lời:
Hiện nay, nhiều người gọi Bitcoin là tiền ảo. Tôi cho rằng quan niệm và gọi như vậy là không chính xác. Về mặt ngữ nghĩa, "ảo" là cái gì đó giả hoặc là không có thực. Với Bitcoin, cả hai nghĩa này đều không đúng.
Thường khái niệm tiền ảo được sử dụng phổ biến hiện nay để chỉ tiền trong các trò chơi điện tử, chủ yếu là các trò chơi trực tuyến có mua bán vật phẩm ảo hoặc tiền ảo trong các hệ thống giao dịch ngoại tệ, chứng khoán theo nguyên tắc mô phỏng. Nói cách khác, nếu Bitcoin là một đồng tiền ảo thì người ta không thể sử dụng nó để mua hay trao đổi được hàng hóa thật. Theo tôi, nên gọi nó là “tiền điện tử”. Và tiền điện tử Bitcoin nên được chấp nhận như một loại hàng hóa. Tức là, không cho phép thanh toán để mua hàng hóa, tài sản khác, nhưng có thể chấp nhận việc mua - bán, trao đổi với nhau.
Câu 2: Vậy nếu ko coi bitcoin là tiền, thì tôi xin được hỏi lại, thế nào là tiền ạ? Và bitcoin khác tiền ở điểm nào?
Luật sư trả lời:
Tiền tệ hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những vật được sử dụng để làm thước đo giá trị, phương tiện thanh toán, trao đổi và lưu trữ; hiểu theo nghĩa hẹp là tiền pháp định, đồng tiền của quốc gia được ghi rõ trong Hiến pháp và bảo hộ bởi nhà nước.
Tiền pháp định (thường gồm giấy bạc và tiền xu) được phát hành bởi ngân hàng trung ương của một quốc gia (Việt Nam gọi là Ngân hàng Nhà nước - NHNN) với một khối lượng phù hợp trong các điều kiện kinh tế vĩ mô của quốc gia đó vào từng thời điểm cụ thể.
Nếu xét theo khía cạnh này thì rõ ràng, Bitcoin không phải là một đồng tiền. Bởi lẽ, Bitcoin được tạo ra từ mạng máy tính của những người tham gia đào Bitcoin trên toàn thế giới. Cứ trung bình mỗi 10 phút thì có một lượng Bitcoin được tạo ra mà không ai có thể can thiệp vào được quy trình này, kể cả cha đẻ của nó, được biết dưới tên gọi Satoshi Nakamoto. Ngoại trừ, nó được lập trình sẵn từ trước để cứ mỗi 4 năm thì số lượng Bitcoin được tạo ra trong 10 phút sẽ giảm đi một nữa. Đến năm 2041, sẽ có tổng cộng 21 triệu BTC được đào và sau đó sẽ không còn thêm đồng Bitcoin nào khác nữa.
Bản chất của bitcoin khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào. Vì vậy cũng rất khó để kiểm soát.
Câu 3:
Ngân hàng nhà nước thì khẳng định là không thừa nhận bitcoin là tiền hay phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một văn bản chính thức nào về quản lý bitcoin. Như vậy, ở VN việc quản lý bitcoin hình như đang bị thả nổi?
Luật sư trả lời:
Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016) đã có quy định rất rõ các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó không có loại phương tiện tương tự như Bitcoin, cụ thể: “Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Đồng thời, các quy định của Nghị định 101/2012/NĐ-CP cũng cấm sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, ở khía cạnh này nếu xem Bitcoin là một phương tiện thanh toán thì nó chưa được pháp luật Việt Nam cho phép thực hiện để thực hiện các hoạt động thanh toán.
Ngân hàng nhà nước thì khẳng định là không thừa nhận bitcoin là tiền hay phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa có một văn bản chính thức nào về quản lý bitcoin.
Tại Việt Nam, hiện nay người giao dịch tiền điện tử thực hiện trực tiếp qua sàn quốc tế, trong nước không có dịch vụ và khung pháp lý quản lý. Nếu tình trạng này kéo dài thì thị trường sẽ càng trở nên lộn xộn và nảy sinh nhiều vấn đề, trong khi Nhà nước cũng không có cơ sở để thu thuế, dẫn đến thất thu.
Thiết nghĩ, để quản lý được, trước hết phải có khung pháp lý rõ ràng, xác định rõ các khái niệm về bitcoin và có biện pháp quản lý, tránh hiện tượng mặt trái như sử dụng đầu cơ, chuyển tiền bất hợp pháp.
Câu 4: Thưa luật sư Hà, vậy bitcoin nên được quản lý như thế nào để phù hợp với pháp luật của Việt Nam?
Luật sư trả lời:
Theo tôi, Việt Nam cần sớm có khung pháp lý thừa nhận Bitcoin là một loại hàng hóa và bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch tập trung để nhà nước giám sát, thu thuế, cũng như kiểm soát tội phạm lừa đảo lợi dụng nhu cầu đầu tư thật của người dân. Tuy nhiên, việc thừa nhận Bitcoin là một loại hàng hóa hoặc cho phép giao dịch qua sàn giao dịch tập trung cũng cần phải xem xét thận trọng.
Câu 5: Thưa luật sư Hà, như ông vừa thấy, cộng đồng sử dụng bitcoin dường như là 1 thế giới riêng, và chính họ cùng không cho rằng bitcoin là tiền. Thế nhưng, có lẽ phải có sự thừa nhận bitcoin là tài sản thì mới đánh thuế được. Ông nghĩ sao về điều này?
Luật sư trả lời:
Như tôi đã nêu ở trên, Việt Nam cần sớm có khung pháp lý thừa nhận Bitcoin là một loại hàng hóa và bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch tập trung để nhà nước giám sát, thu thuế, cũng như kiểm soát tội phạm lừa đảo lợi dụng nhu cầu đầu tư thật của người dân.
Câu 6: Theo lộ trình đưa ra thì 3 năm nữa khuôn khổ pháp lý về quản lý tiền ảo như bitcoin mới được hoàn thiện. Chính sách của chúng ta có chậm hơn thị trường quá nhiều không?
Luật sư trả lời:
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8/2018 hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo, hoàn thành vào tháng 6/2019. Bộ Công an đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9/2019.
Theo tôi, lộ trình như vậy là chậm, cần phải đẩy nhanh hơn nữa để theo kịp thực tiễn. Trong khi chưa có khung khổ pháp lý rõ ràng, người đầu tư loại tài sản này đứng trước nhiều rủi ro vì không được pháp luật bảo vệ, nếu xảy ra tranh chấp hoặc thua lỗ, mất tiền thật. Thiết nghĩ, phía cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý để kịp thời quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử cho phù hợp. Đồng thời, người dân cần thận trọng khi tham gia đầu tư, giao dịch này.