Trước thực trạng hiện nay có rất nhiều tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm xảy ra giữa Người tham gia và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH). Kết quả, đa phần người tham gia thắng kiện, các DNBH phải chi trả bồi thường hàng chục tỷ đồng sau phán quyết của Toà án (Số liệu công bố trên Cổng thông tin Toà án tối cao https://congbobanan.toaan.gov.vn/, mỗi năm có hàng trăm bản án, quyết định được Toà án công bố)
Với đặc thù bảo hiểm là một sản phẩm tài chính “khó”, điều khoản dài, phức tạp, khó hiểu, nhiều quy định chặt chẽ của Luật. Cũng giống như các sản phẩm tài chính khác như trái phiếu, ngân hàng, chứng khoán…đều là các sản phẩm tài chính “khó” đối với đa phần người dân. Cộng với việc thực tế, người dân Việt Nam dân trí tài chính còn chưa cao, dẫn đến việc tham gia các sản phẩm tài chính nhưng thiếu hiểu biết, chưa biết tự bảo vệ mình.
Cuối cùng, hay dẫn đến các tranh chấp về bảo hiểm, trái phiếu, chứng khoán…đặc biệt là hợp đồng bảo hiểm.
Hiện nay, khi xảy ra các tranh chấp về bảo hiểm, đa phần người tham gia sẽ chủ động đấu tranh với DNBH, sau đó mới kiến nghị, khiếu nại đến Cục Quản lý GSBH, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, hoặc bên thứ 3 như Luật sư. CUối cùng là kiện ra toà án.
Ít khách hàng gửi khiếu nại đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hoặc Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng bởi các cơ quan này thường phản hồi và bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm thông thường, hoặc người tiêu dùng trên môi trường TMĐT, môi trường mạng internet…
Trong khi theo thống kê đến hết tháng 9/2024, tại Việt Nam có gần 12 triệu HĐBH đang có hiệu lực, tương đương với hàng triệu khách hàng cần được bảo vệ.
Dưới đây là Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời Vietnamfinance về vấn đề nêu trên. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn.
Thực trạng Luật pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam hiện nay như thế nào?
Trả lời:
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng đồng thời hai cách tiếp cận trong việc xây dựng khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng tài chính: (i) Xây dựng luật bảo vệ người tiêu dùng chung nhưng không có quy định cụ thể cho lĩnh vực tài chính; và (ii) Lồng ghép các quy định cụ thể về bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong các luật chuyên ngành tài chính, như Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, và Luật Chứng khoán 2019.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã bao quát khá đầy đủ các quy định cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm: nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ thông tin cá nhân; quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng; các hành vi bị cấm; xử lý vi phạm pháp luật; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh; giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng.
Hiện nay, các quy định bảo vệ người tiêu dùng tài chính được phân tán trong các luật chuyên ngành như: Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (đối với dịch vụ ngân hàng), Luật Chứng khoán 2019 (đối với dịch vụ chứng khoán), và Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (đối với dịch vụ bảo hiểm). So với các thông lệ quốc tế (WB, OECD/G20), khung pháp lý chung (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) và khung pháp lý riêng (các luật chuyên ngành, văn bản dưới luật) đã đề cập khá đầy đủ các nội dung bảo vệ người tiêu dùng tài chính, bao gồm: (i) Công khai và minh bạch thông tin sản phẩm, dịch vụ tài chính; (ii) Thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp; (iii) Đối xử công bằng, bình đẳng với khách hàng; (iv) Bảo mật dữ liệu và thông tin cá nhân; (v) Xử lý khiếu nại và tranh chấp; và (vi) Xử phạt vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Lý giải vì sao Pháp luật cũng đã quy định, nhưng việc thực thi chưa được hiệu quả, dẫn đến nhiều tranh chấp?
Trả lời:
Có thể thấy được các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng tài chính cũng đã được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau, tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, các luật này đã bộc lộ nhiều bất cập dẫn đến việc thực thi chưa được hiệu quả, cụ thể:
(i) Một số quy định chỉ phù hợp với các giao dịch truyền thống, chưa đáp ứng được các phương thức hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
(ii) Chưa xác định rõ vị trí của luật này trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan;
(iii) Chưa bổ sung các hành vi mới xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vào danh mục hành vi cấm;
(iv) Các quy định về bảo vệ và cung cấp thông tin đã lỗi thời trước sự xuất hiện của các chủ thể và hành vi mới;
(v) Thiếu cơ chế hiệu quả để giám sát việc đăng ký và thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
(vi) Quy định chưa đầy đủ về các phương thức giải quyết tranh chấp;
(vii) Thiết kế cơ chế tiếp nhận và xử lý yêu cầu tại cơ quan nhà nước chưa rõ ràng, gây khó khăn trong thực tế.
Đặc biệt, các luật chưa đề cập đến “người tiêu dùng tài chính” hay “các giao dịch tài chính” – nhóm đối tượng đặc biệt có quy mô lớn và ảnh hưởng sâu rộng. Việc không bảo vệ tốt nhóm này có thể làm suy giảm niềm tin vào thị trường tài chính, ảnh hưởng đến nền kinh tế và chính sách kinh tế vĩ mô.
Kinh nghiệm bảo vệ người tiêu dùng tài chính ở một số Quốc gia trên thế giới như thế nào?
Trả lời:
Bảo vệ người tiêu dùng tài chính là một lĩnh vực được nhiều quốc gia chú trọng nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ tài chính, đồng thời nâng cao sự minh bạch và ổn định của hệ thống tài chính. Tại Hoa Kỳ, chính phủ đã thành lập Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Cơ quan này có nhiệm vụ điều tra, xử phạt và xây dựng các quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời yêu cầu các tổ chức tài chính minh bạch thông tin và hỗ trợ giải quyết tranh chấp thông qua cổng thông tin khiếu nại.
Ở Liên minh Châu Âu (EU), các chỉ thị như Chỉ thị về Dịch vụ Thanh toán (PSD) và Chỉ thị Bảo vệ Người tiêu dùng đã tạo nên khung pháp lý toàn diện, hạn chế phí ẩn và tăng cường sự minh bạch. EU cũng triển khai Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR) để bảo vệ quyền riêng tư và thông tin cá nhân của người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh giáo dục tài chính để nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Tại Anh Quốc, Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) và Cơ quan Thẩm định Khiếu nại Tài chính (Financial Ombudsman Service) chịu trách nhiệm giám sát và giải quyết tranh chấp. Người tiêu dùng có thể yêu cầu bồi thường thông qua Quỹ Dịch vụ Tài chính (FSCS) trong trường hợp tổ chức tài chính phá sản.
Úc cũng có nhiều sáng kiến nổi bật, chẳng hạn Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) chịu trách nhiệm giám sát hành vi tài chính, cung cấp các cơ chế hỗ trợ tài chính trong khủng hoảng, và triển khai chương trình Moneysmart để giáo dục tài chính cho người dân.
Tại Nhật Bản đã ban hành Luật Bảo vệ Dịch vụ Tài chính, yêu cầu minh bạch hóa sản phẩm tài chính và thành lập các trung tâm hòa giải như Trung tâm Tài chính Nhật Bản (Japanese Financial ADR Center) để giải quyết khiếu nại nhanh chóng.
Từ kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể rút ra một số bài học quan trọng. Việc thành lập một cơ quan chuyên trách như CFPB hoặc FCA là cần thiết để giám sát và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính. Ngoài ra, cần đẩy mạnh giáo dục tài chính để người dân nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý tài chính, xây dựng hệ thống giải quyết tranh chấp hiệu quả thông qua các trung tâm hòa giải, và yêu cầu các tổ chức tài chính cung cấp thông tin minh bạch về sản phẩm, đặc biệt là lãi suất, phí dịch vụ và các rủi ro tiềm ẩn. Những cải cách này sẽ giúp tăng cường niềm tin của người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tài chính.
Nên có hay không một Cơ quan chuyên trách bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam?
Trả lời:
Hiện nay, các quốc gia có thu nhập cao đang có xu hướng thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ người tiêu dùng tài chính, với nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng đối với mọi loại sản phẩm và dịch vụ tài chính. Việc có một cơ quan chuyên trách như vậy sẽ đảm bảo phạm vi bảo vệ toàn diện cho người tiêu dùng tài chính, đáp ứng sự phát triển nhanh chóng và sự giao thoa giữa các phân ngành tài chính, từ đó nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Do đó, về lâu dài, khi thị trường tài chính Việt Nam phát triển và nước ta đạt mức thu nhập cao, việc thành lập một cơ quan chuyên trách bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính là cần thiết. Cơ quan này sẽ hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính tại mọi loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính.
Để cơ quan này có được thành lập hay không, rất cần cơ quan nhà nước vào cuộc và thời gian triển khai. Vậy giải pháp trong ngắn hạn cho vấn đề này là gì?
Trả lời:
Để bảo vệ hiệu quả người tiêu dùng dịch vụ tài chính tại Việt Nam, việc thành lập một cơ quan chuyên trách là một giải pháp lâu dài và cần thiết. Tuy nhiên, trước khi cơ quan này được thành lập và đi vào hoạt động, cần có những giải pháp ngắn hạn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như sau:
Thứ nhất là nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý hiện có. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo các sản phẩm dịch vụ tài chính được cung cấp minh bạch, rõ ràng, không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, bảo hiểm, đảm bảo thông tin công khai minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Và cuối cùng, Bộ Công Thương cũng cần Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ hai là tăng cường hợp tác giữa các cơ quan. Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước phối hợp với nhau để xây dựng các quy định pháp luật thống nhất, đồng bộ về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Liên Bộ Công Thương - Ngân hàng Nhà nước, phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính.
Thứ ba là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Tuyên truyền rộng rãi cho mọi người dân như tăng cường tuyên truyền về các quyền lợi của người tiêu dùng, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các kênh khiếu nại, tố cáo. Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để nâng cao kiến thức tài chính cho người dân, giúp họ tự bảo vệ mình trước các rủi ro.
Thứ tư là xây dựng và phát triển các kênh tiếp nhận và giải quyết khiếu nại như xây dựng cổng thông tin điện tử để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin, thực hiện các giao dịch trực tuyến và khiếu nại; Thành lập các trung tâm hỗ trợ người tiêu dùng để tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của người dân; Thiết lập các đường dây nóng để người tiêu dùng có thể gọi điện khiếu nại, tố cáo.
Thứ năm là cần hoàn thiện khung pháp lý bằng cách sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu; nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
|