Còn tại Hà Nội, đầu tháng 8 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai - TP Hà Nội đã bắt giam Nguyễn Văn Thành, 25 tuổi, để điều tra về tội “Giết người”. Thành là nghi phạm đã tạt xăng, đốt vợ là N.T.D (22 tuổi), khiến nạn nhân bị thương nặng. Theo thông tin từ CQĐT, Thành và D đã kết hôn được 6 năm, có hai con chung nhưng thường xảy ra va chạm. T thường lấy tiền bạc trong nhà đi chơi, chị D phản ứng thì bị T đánh đập. Khi chị D quyết định chia tay, T níu kéo nhưng không được nên đã hất xăng vào mặt vợ rồi châm lửa. Hậu quả là chị D bị bỏng nặng, mặt mũi, chân tay bị biến dạng, dù đã trải qua nhiều lần phẫu thuật nhưng không có tiến triển đáng kể.
Không chỉ bị bạo hành về thể xác, nhiều chị em còn bị hành hạ về tinh thần. Thời gian qua, đã có không ít nạn nhân của nạn bạo hành gia đình tìm đến Ngôi nhà Bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) tìm sự trợ giúp khi buộc phải trốn chạy khỏi tổ ấm. Có những chị đến đây trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ tột cùng. Theo lời kể của họ, dù không bị đánh đập nhưng họ bị chính những người chồng mình “bỏ tù”. Họ bị kiểm soát chặt chẽ từ các mối quan hệ bên ngoài đến việc chi tiêu, mua sắm, thậm chí ngay cả việc “quan hệ” với chồng cũng phải theo lịch.
Xin đừng im lặng
Với kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc và tư vấn cho những nạn nhân của bạo lực gia đình bà Lê Thị Ngọc Bích - nhân viên tham vấn Trung tâm Phụ nữ và Phát triển chia sẻ, bạo lực gia đình gây ra hậu quả vô cùng nặng nề, là nguyên nhân chính phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình, khiến không ít chị em bị ám ảnh, đau khổ cả đời. Tuy vậy, bạo lực gia đình vẫn không ngùng gia tăng theo chiều hướng phức tạp. Nguyên nhân là do ngược đãi tinh thần và ngược đãi tình dục trong gia đình vẫn chưa được nhìn nhận như một hình thức của bạo lực gia đình. Còn bạo lực thể chất hầu như chưa được xử lý tận gốc, chủ yếu vẫn được giải quyết bằng con đường hòa giải nội bộ. Bên cạnh đó, không ít chị em vẫn có tư tưởng “xấu chàng hổ ai” nên cam chịu và giấu kín.
Ở góc độ pháp luật, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, hiện pháp luật Việt Nam đã có các quy định nhằm ngăn chặn, xử lý đối với những hành vi bạo lực gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình đã nghiêm cấm những hành vi bạo lực trong gia đình. Còn theo BLHS, người có hành vi bạo hành đối với người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc tội Làm nhục người khác. Ngoài ra, Luật phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định rõ, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, kỷ luật hoặc xử lý hình sự.
Cái giá phải trả cho bạo lực gia đình là vô cùng lớn bởi nó không chỉ ảnh hưởng xấu tới nạn nhân và con cái họ mà còn tạo ra nhiều hệ lụy xã hội. Để công tác phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể ở cơ sở và người dân, đặc biệt là các nhóm phụ nữ nhằm hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân cũng vô cùng cần thiết.