Bảo hộ thương hiệu tại thị trường xuất khẩu

Nội dung bài viết

Nhận lời mời của BBT truyền hình đối ngoại, VTV4 Đài Truyền Hình Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trả lời Biên tập viên Bích Ngọc về vấn đề bảo hộ thương hiệu tại thị trường xuất khẩu, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:

Biên tập viên: Với những kinh nghiệm làm việc và tư vấn bảo hộ thương hiệu cho các công ty của Việt Nam, theo ông đâu là những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp Việt thường bị mất thương hiệu ở các thị trường nước ngoài?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nguyên nhân dẫn tới doanh nghiệp Việt Nam thường bị mất thương hiệu ở nước ngoài có một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Việc bảo hộ thương hiệu chỉ mang tính lãnh thổ, nếu nhãn hiệu chỉ đăng ký ở Việt Nam thì chỉ có thể bảo hộ tại Việt Nam, nếu nhãn hiệu muốn bảo hộ ở nước ngoài thì họ phải đăng ký ở nước ngoài. Tuy nhiên, pháp luật về việc bảo hộ sở hữu trí tuệ tại các quốc gia khác nhau phức tạp, doanh nghiệp Việt Nam không lường trước và biết hết, vì vậy, gây tâm lý chủ quan và không đăng ký.

Thứ hai: Do nhận thức về pháp luật bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài chưa đầy đủ, doanh nghiệp chỉ quan tâm tới việc tìm mối hàng và bạn hàng, chưa quan tâm nhiều tới vấn đề thương hiệu và pháp luật bảo hộ thương hiệu.

Thứ ba: Doanh nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Thông thường, một doanh nghiệp nước ngoài, họ muốn đưa sản phẩm vào một thị trường nước ngoài, họ đã đăng ký nhãn hiệu đó cách đây hàng chục năm rồi, khi vào thị trường đó, họ đã được bảo hộ rồi, vì vậy mà không bị mất.

Thứ tư: do nguồn lực hạn chế, việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài rất tốn kém, vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam thường không bỏ nhiều chi phí để bảo hộ.

Biên tập viên: Qua những khách hàng của mình, ông đánh giá thế nào về ý tưởng xây dựng và tiến tới đăng ký bảo hộ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam là thế nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: qua việc tư vấn cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam liên quan tới việc bảo hộ thương hiệu, chúng tôi chỉ có một lời khuyên là cùng với việc thiết kế nhãn hiệu như logo, tên thương hiệu, slogan, doanh nghiệp rất cần có sự tư vấn về mặt pháp lý của các công ty luật và các luật sư về sở hữu trí tuệ để đảm bảo nhãn hiệu được bảo đảm về mặt pháp lý.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy rằng, việc doanh nghiệp được bảo vệ về mặt pháp lý đối với các nhãn hiệu sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thương trường.

Biên tập viên: Khi thương hiệu sản phẩm bị mất hoặc bị chiếm đoạt ở thị trường nước ngoài, vấn đề khởi kiện sẽ trở nên phức tạp như thế nào với doanh nghiệp của ta, vốn không có nhiều kinh nghiệm cũng như nguồn lực tài chính để theo đuổi các vụ kiện?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nếu nhãn hiệu bị mất ở thị trường nước ngoài, tỷ lệ thành công để đòi lại nhãn hiệu là rất thấp vì hầu hết các nước đều áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file), nếu doanh nghiệp Việt đã bị mất thương hiệu, doanh nghiệp cần liên hệ với các luật sư để họ có thể tư vấn xem khả năng đòi lại thương hiệu có cao và khả thi không?

Bên cạnh đó, việc kiện tụng đòi lại thương hiệu cũng rất tốn thời gian và chi phí, vì vậy, doanh nghiệp cần cân nhắc xem có nên sử dụng nhãn hiệu khác tại thị trường xuất khẩu hay không.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn Luật sư.

Mời Quý vị xem thêm phần tư vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà về việc bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài trên truyền hình.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan