Bảo hộ sở hữu trí tuệ là đầu tư và nâng cao giá trị của doanh nghiệp

Nội dung bài viết

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, SHTT là tài sản của doanh nghiệp (DN), bảo hộ sở hữu trí tuệ không những là một hình thức đầu tư mà còn nâng cao giá trị thị trường của DN. Tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này.

Ảnh hưởng của sở hữu trí tuệ đến doanh nghiệp?

Hầu hết các doanh nghiệp startup hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có tên thương mại hoặc sở hữu một hoặc nhiều nhãn hiệu. Một số doanh nghiệp cũng sở hữu các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ khác nữa như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, …DN nên cân nhắc việc bảo hộ những đối tượng này.

Theo ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở Hữu Trí Tuệ, cùng với những thành quả sáng tạo và đổi mới của nhân loại, sở hữu trí tuệ tồn tại ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Mọi sản phẩm hay dịch vụ mà chúng ta sử dụng trong cuộc sống hằng ngày đều là kết quả của một chuỗi sáng tạo, dù là lớn hoặc nhỏ, như việc thay đổi kiểu dáng hoặc việc cải tiến kỹ thuật làm cho sản phẩm có được kiểu dáng, chức năng và tiện ích như ngày nay.

Bất kể doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ gì thì chắc chắn rằng doanh nghiệp đó cũng đang tạo ra và sử dụng rất nhiều quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, DN nên xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Nếu DN đang sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, phải xem xét việc mua chúng hoặc nhận được quyền sử dụng các quyền đó thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng để tránh những tranh chấp hoặc kiện tụng sau này.

Phải đánh giả khả năng bảo hộ trước khi xác lập quyền

Những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt nam đã dần nhận thức được vai trò quan trọng của quyền SHTT, đặc biệt là trong vấn đề xây dựng và quảng bá thương hiệu. Doanh nghiệp ngày càng nhận ra một nhu cầu cần thiết là phải có thương hiệu mạnh để củng cố vị trí và sức mạnh cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, bối cảnh hội nhập càng và những tranh chấp đã xảy ra liên quan tới quyền SHTT càng làm tăng tính nghiệm ngặt của vấn đề xây dựng, bảo hộ và phát triển quyền SHTT.

Ðăng ký bảo hộ các đối tượng SHTT là một trong những biện pháp quan trọng nhằm xác lập quyền sở hữu cho doanh nghiệp, ngăn ngừa mọi hành vi chiếm đoạt, đánh cắp, đồng thời, là cơ sở pháp lý duy nhất để chống lại các hành vi xâm phạm và nhằm nâng cao khả năng thành công khi đăng ký. Không chỉ đơn thuần là việc đăng ký, doanh nghiệp cũng rất cần quan tâm tới vấn đề xây dựng (trước đăng ký) và bảo hộ (sau đăng ký).

Trước khi nộp đơn, doanh nghiệp phải nghiên cứu, đánh giá về khả năng bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp dựa trên kết quả đó, doanh nghiệp có thể tiến hành sửa đổi, điều chỉnh nhãn hiệu, kiểu dáng, khi cần thiết.

Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm tới việc đăng ký, mà chưa ý thức tới một chiến lược đầu tư có bài bản, thể hiện sự chuyên nghiệp và quản lý có hệ thống đối với quyền SHTT của mình thì doanh nghiệp cũng sẽ khó thành công trong cuộc cạnh tranh trong tiến trình hội nhập.

 

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan