Việt Nam chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức thương mại thế giói vào đầu năm 1995. Tại thời điểm này hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn rất nhiều điểm chưa tương thích với Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại và quyền sở hữu trí tuệ -TRIPS. Mặc dù Phần VI- Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ của Bộ luật dân sự năm 1995 đã tạo ra những bước tiến đáng kể trong pháp luật điều chỉnh về quyền sở
hữu trí tuệ của nước ta, nhưng giống cây trồng - một trong những đối tượng được đề cập trong nội dung Hiệp định TRIPSvẫn chưa được pháp luật điều chỉnh. Phải đợi đến khi Luật sở hữu trí tuệ 2005 được ban hành, đối tượng Giồng cây trồng lần đầu tiên mới được điều chỉnh bởi một văn bản luật (trước đó chỉ được đề cập trong các văn bản dưới luật).
Xét trên phương diện lịch sử hình thành và phát triển, “Giống cây trồng” có thể được xếp vào thế hệ sinh sau đẻ muộn trong gia đình các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Phải mãi đến năm đầu thập niên 60, thế kỷ XX, cùng với việc thông qua Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng (UPOV) tại Hội nghị các ngoại trưởng tổ chức tại Paris tháng 12 năm 1961, quyền sở hữu trí tuệ của những người sáng tạo giống cây trồng lần đầu tiên mới được cộng đồng quốc tế thừa nhận và bảo hộ trên phạm vi thế giới. Các quốc gia đã nhanh chóng nhận ra rằng, hoạt động sáng tạo giống cây trồng mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn cả đối với việc bảo vệ môi trường. Do vậy, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng đã trở thành một cam kết bắt buộc mà tất cả các nước cần phải thực hiện trước khi tiến hành gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO. Khoản 3 Điều 27, Hiệp định TRIPS quy định: “Các Thành viên phải bảo hộ giống cây trồng bằng hệ thống patent hoặc bằng một hệ thống riêng hữu hiệu, hoặc bằng sự kết hợp giữa hai hệ thống đó dưới bất kỳ hình thức nào”.
Thực hiện Chương trình hành động về sở hữu tri tuệ với mục tiêu nhằm làm cho hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam phù hợp hoàn toàn với Hiệp định TRIPS được khởi xướng vào đầu năm 2000, ngày 20 tháng 4 năm 2001, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 13/2001/NĐ-CP quy định về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới. Theo đó, giống cây trồng mới sẽ được bảo hộ theo một hệ thống riêng biệt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý. Hệ thống bảo hộ giống cây trồng mới sau đó đã tiếp tục hoàn thiện và được quy định mới trong phần IV - Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
Bảo hộ giống cây trồng theo một hệ thống riêng biệt đang là một xu thế có tính chất phổ biến của các quốc gia trên thế giới. Thực vậy, quy trình để tạo ra một giống cây trồng mới thường tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí tiền bạc. Trong khi đó, việc sao chép giống cây trồng lại có thể được thực hiện rất nhanh chóng theo nhiều cách thức khác nhau như chiết cây, giâm cây, gieo hạt... Mặc dù hệ thống bảo hộ độc quyền sáng chế có rất nhiều lợi thế trong việc chống lại các khả năng vi phạm tiềm tàng đối với giống cây trồng mới, đảm bảo cho nhà tạo giống cây trồng có đủ thời gian cần thiết để khai thác lợi nhuận và tái đầu tư cho các hoạt động sáng tạo của mình.
Giống cây trồng được bảo hộ theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 là: giống cây được sáng tạo hoặc được phát triển và phát triển, thuộc danh mục giống cây trồng được bảo hộ do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành, tính ổn định và có tên gọi phù hợp.
Theo định nghĩa nói trên, có thể hiểu chủ thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới bao gồm hai đối tượng chính:
Đối tượng thứ nhất là người sáng tạo ra giống cây trồng mới. Đây là những chủ thể đã tạo ra giống cây trồng mới, chưa từng tồn tại trước đó trong thế giới tự nhiên bằng những phương tiện kỹ thuật nhất định. Pháp luật Việt Nam không đặt ra bất kỳ một giới hạn cụ thể nào đối với hình thức cũng như trình độ kỹ thuật trong việc thực hiện quy trình tạo giống cây trồng được bảo hộ. Đó có thể là thao tác kỹ thuật đơn giản nhất như lựa chọn và lọc giống cây trồng cho đến những công nghệ phức hiện đại và phức tạp nhất hiện nay như công nghệ chuyển gen, cấy ghép gen...
Đối tượng thứ hai là người phát hiện và phát triển giống cây trồng. Đây được coi là điểm khác biệt chủ yếu tạo nên một trong những đặc trưng cơ bản trong tiêu chuẩn bảo hộ giống cây trồng so với tiêu chuẩn bảo hộ độc quyền sáng chế. Theo quy định của pháp luật về bảo hộ sáng chế, phát minh (phát hiện) là một trong những đối tượng bị loại trừ khả năng được bảo hộ. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật về bảo hộ giống cây trồng, việc phát hiện ra giống cây trồng mới tồn tại sẵn có trong tự nhiên vẫn có thể được coi là một trong những nguồn căn bản đóng góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học và cần phải được bảo hộ. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn chính thức giải thích cụ thể về khái niệm “phát hiện và phát triển giống cây trồng”. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào bản chất pháp lý nói chung của quyền sở hữu trí tuệ, có thể khẳng định rằng, một người chỉ có công đơn thuần trong việc phát hiện ra giống cây trồng mới sẽ không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy, thuật ngữ “phát triển” được sử dụng ở đây như là một sự bổ sung cần thiết, là điều kiện đủ để được Nhà nước xem xét bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng đã được phát hiện. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh thêm khái niệm “phát triển” không được dùng để chỉ những hoạt động cải tiến hoặc cải tạo đối với các tính trạng di truyền cơ bản của giống cây trồng mà chỉ là những tác động tạo nên sự thay đổi nhất định trong quá trình nhân giống của giống cây trồng.
Đối với giống cây trồng được bảo hộ, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005, cần phải đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn sau:
- Có tính mới: Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng các cách khác nhau nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, bốn năm đối với giống cây trồng khác.
- Có tính khác biệt: Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng đã được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 160, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, giống cây trồng đã được biết đến rộng rãi bao gồm giống cây trồng đã được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào, giống cây trồng đã được bảo hộ hoặc được đăng ký trong danh mục loài cây ở bất kỳ quốc gia nào, giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký của bất kỳ quốc gia nào, trừ khi đơn này bị từ chối và giống cây trồng mà bản mô tả chi tiết của giống đó đã được công bố. Như vậy, đối tượng có khả năng được sử dụng làm vật liệu đối chứng trong quá trình thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng đăng ký bảo hộ là bất kỳ một quần thể cây trồng nào đã được biết đến một cách rộng rãi. Pháp luật không đặt ra một giới hạn kỹ thuật nào đối với tính trạng di truyền của nguồn cây trồng được sử dụng làm vật liệu đối chứng. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là, việc xếp đối tượng của đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào như một nguồn vật liệu đối chứng theo pháp luật Việt Nam, có phần chưa thuyết phục. Về mặt nguyên tắc, đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại một quốc gia chỉ được công bố sau một thời gian nhất định nào đó. Nếu tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng được xem xét, giống cây trồng là đối tượng của đơn nộp ở nước ngoài nhưng chưa được công bố, thì không thể xếp vào quần thể cây trồng đã được biết đến một cách rộng rãi. Do đó, việc coi đối tượng này như một nguồn vật liệu đối chứng để thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng đăng ký là không hợp lý.
- Có tính đồng nhất: Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống. Thuật ngữ “các tính trạng liên quan” được sử dụng ở đây nhằm để chỉ các tính trạng được yêu cầu bảo hộ của giống cây trồng. Nói một cách khác, tính đồng nhất không được xem xét đối với các tình trạng không tham gia vào các đặc điểm di truyền của quần thể cây trồng được bảo hộ.
- Có tính ổn định: Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.
- Có tên gọi phù hợp: Tên gọi của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của giống cây trồng khác đã được biết đến một cách rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự. người nộp đơn phải đăng ký cùng một tên gọi phù hợp cho giống cây trồng như đã được đăng ký ở các quốc gia khác, trừ trường hợp tên gọi đã đăng ký ở quốc gia khác phạm vi các điều cấm quy định tại khoản 3 Điều 163 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005
Nhìn chung, trong việc xây dựng những quy định pháp lý về tiêu chuẩn bảo hộ giống cây trồng, các nhà lập pháp Việt Nam đã tiếp thu được những tinh thần căn bản nhất của hệ thống các tiêu chuẩn bảo hộ theo Công ước UPOV được nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận. Nhược điểm của chúng ta là chưa khắc phục được những hạn chế có tính chất đặc thù của Công ước UPOV trong việc giải quyết mâu thuẫn trong việc xác định vất liệu đối chứng để thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng đăng ký bảo hộ, gây ra những khó khăn không đáng có trong việc khảo nghiệm đối tượng đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới sau này.
Luật sở hữu trí tuệ 2005 cũng đã có những quy định cần thiết liên quan đến thủ tục xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới, khoản 1 Điều 164 quy định : “Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với giống cây trồng”. hiện nay, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng đang được Chính phủ trao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý.
Theo đó, đơn yêu cầu bảo hộ độc quyền đối với giống cây trồng mới sau khi được nộp sẽ phải trải qua hai giai đoạn thẩm định:
- Giai đoạn thẩm định hình thức: thời hạn thẩm định hình thức là 15 ngày kề từ ngày nộp đơn hợp lệ.
- Giai đoạn thẩm định nội dung: trong giai đoạn này cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới tiến hành thẩm định tính mới vai tên gọi phù hợp của giống cây trồng và thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật, xác định tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng.