Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có bài trả lời phỏng vấn ban thời sự, truyền hình công an nhân dân ANTV về vấn đề Báo động tình trạng mạo danh người nổi tiếng trên mạng xã hội, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Phóng Viên : Quan điểm cá nhân của ông về việc hiện nay có một số người đang mạo danh người nổi tiếng trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Là một người cũng thường xuyên sử dụng facebook trong công việc và đời sống, tôi thấy rằng hiện nay, không chỉ những facebook của những người nổi tiếng mà những facebook của những người bình thường cũng bị mạo danh.
Có thể khẳng định việc làm này là hành vi sai trái về mặt đạo đức và về mặt luật pháp.
Về mặt đạo đức, việc mạo danh facebook của người khác sẽ gây ra sự bất an và khó chịu cho những người bị mạo danh, ảnh hưởng tới đời sống và công việc của họ.
Về mặt pháp luật, pháp luật dân sự đã quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Vì vậy, theo quan điểm của tôi, chúng ta phải đấu tranh với những hành động sai trái này để làm sạch môi trường Internet và mạng xã hội.
Phóng Viên : Hiện có điều luật nào quy định về việc xử phạt đối với người sử dụng công nghệ để mạo danh cá nhân, tổ chức khác?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo Luật công nghệ thông tin và Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng thì hành vi mạo danh nêu trên đều bị cấm.
Theo điều 5 Nghị định 72 có quy định cấm như sau:
“Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”
Cũng theo Luật công nghệ thong tin thì Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1.Về biện pháp hành chính.
Hành vi “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điểm đ Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/ 11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện)
2. Về biện pháp hính sự.
Ngoài ra, căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, cơ quan chức năng có thể căn cứ vào Bộ Luật hinh sự để có thể khởi tố về tội làm nhục người khác, tội vu khống, “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” theo Điều 226 BLHS (hình phạt tối đa đến 07 năm tù); “tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 226b BLHS…
3. Về biện pháp dân sự.
Có thể khởi kiện vụ việc dân sự để đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần và vật chất, xin lỗi hoặc cải chính công khai do hành vi mạo danh nêu trên gây ra.
Phóng viên: Ông có kiến nghị gì về giải pháp giải quyết tình trạng trên?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để hạn chế các trường hợp trên, chúng ta cần có các giải pháp sau:
Thứ nhất: Về giải pháp kỹ thuật, cần sử dụng các công cụ của mạng facebook, tiến hành gửi thong tin lên trang mạng để họ khoá các tài khoản giả mạo.
Thứ hai: Khi phát hiện hành vi vi phạm, cần thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tránh thiệt hại cho người khác và chính người bị mạo danh.
Thứ ba: Khi có hậu quả xảy ra, cần thong báo với cơ quan chức năng như thanh tra, công an để đề nghị xử lý vi phạm.
Thứ tư: Người dùng mạng xã hội cũng cần nâng cao nhận thức, không nên tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng.
Thứ năm: Cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe các trường hợp khác.
- See more at: https://vi.sblaw.vn/chuyen-muc/bao-dong-tinh-trang-mao-danh-nguoi-noi-tieng-tren-mang-xa-hoi#sthash.HUw77Lsx.dpuf