Về làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, thủ phủ sản xuất bánh Cáy - một trong những món ăn thuộc hàng đặc sản của người quê lúa.
Với tuổi đời hơn 200 năm, bánh cáy làng Nguyễn vẫn giữ được chất bánh ngon, thơm, cổ truyền. Nhưng trước sự phát triển của xã hội, người làng Nguyễn vẫn lo cho thương hiệu làng nghề.
Ngồi nhâm nhi mẩu bánh cáy giòn thơm của vị nếp cái hoa vàng, vị ngọt đượm của đường mật, vị bùi bùi của vừng với tách trà Thái Nguyên nóng hổi thì thật tuyệt vời. Đó là cách mà người Thái Bình vẫn ca ngợi món quà đặc sản của họ. Bánh cáy từ lâu đã trở thành một món quà quê hảo hạng của người dân Thái Bình mỗi dịp có khách phương xa tới thăm. Để rồi cái tiếng của một loại bánh ngon chỉ có ở Thái Bình được nhiều người biết đến.
Không ai biết bánh cáy lại có cái tên lạ lùng như vậy, và tổ nghề làm bánh cáy là ai?... Người làng Nguyễn chỉ biết thừa hưởng những bí quyết làm bánh nối đời để duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Hiện toàn xã Nguyên Xá có hơn 100 hộ sản xuất bánh cáy vào dịp tết nhưng chỉ có 20 hộ sản xuất thường xuyên. Hầu hết các hộ gia đình trong xã sản xuất nhiều loại bánh kẹo khác phục vụ thị trường Tết âm lịch. Ít có gia đình sản xuất chuyên biệt một loại bánh cáy.
Đến cơ sở sản xuất bánh cáy Thường Xuân, một cơ sở có tiếng trong làng Nguyễn, bởi bánh nổi tiếng ngon và uy tín. Anh Nguyễn Trọng Thường, chủ cơ sở sản xuất Thường Xuân cho biết: “Gia đình tôi thừa kế nghề làm bánh cáy của các cụ đã hơn 30 năm. Bánh của gia đình không bán tại các cửa hàng mà chủ yếu do các cơ quan của tỉnh, của huyện đặt hàng. Tuy làm ít nhưng bánh chất lượng, được mọi người đánh giá cao nên gia đình làm hàng khá ổn định”.
Theo anh Thường thì để có được một mẻ bánh ngon mỗi nhà có một bí quyết riêng nhưng chỉ cần nhìn con cáy là có thể biết nhà nào làm bánh ngon, mịn. Con cáy làm từ gạo nếp cái hoa vàng được chọn kỹ và gấc chứ không dùng phẩm màu như hiện nay một số chủ cơ sở chạy theo lợi nhuận đang làm. Công đoạn làm con cáy cũng đòi hỏi kỹ thuật khéo léo của người thợ để khi thành phẩm con cáy phải nhỏ, thơm giòn, miếng bánh cáy thái ra phải mịn, chắc tay…
Hiện nay còn rất ít gia đình trong làng Nguyễn giữ được cách làm bánh cổ truyền như vậy. Khi máy móc, công nghệ tham gia vào khâu sản xuất thì những thao tác thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ mất dần. Vì thế chất lượng bánh cáy bị ảnh hưởng nhiều, sự thêm bớt nguyên liệu làm mất đi nét đặc trưng và dư vị vốn có của bánh cáy.
Các hộ gia đình trong xã sản xuất các mặt hàng kẹo bánh khác để bán đại trà, trong khi đó bánh cáy cổ truyền không được quan tâm. Có thời gian bánh cáy Thái Bình chìm lắng bởi chất lượng kém trong khi nhiều hàng nhái xâm nhập vào thị trường người tiêu dùng.
Chị Hoàng Thị Xuân, cơ sở sản xuất bánh kẹo Thường Xuân chia sẻ: “Thời điểm này nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, lợi dụng thị trường tết, nhiều sản phẩm nhái bánh cáy của gia đình tôi xuất hiện. Trong khi nguyên liệu đắt đỏ, giá bánh ở mức bình quân chung, mỗi phong bánh chỉ lời 2.000 đến 3.000 đồng. Những mặt hàng kém chất lượng, chi phí nguyên liệu rẻ thì họ vẫn bán với mức từ 20.000 đồng đến 25.000/hộp. Vì cơ sở nhà tôi chưa đăng ký thương hiệu nên biết cũng bất lực”.
Nguyên Xá đã có hàng trăm hộ tham gia sản xuất bánh cáy. Bên cạnh việc phát triển nghề, giữ nghề thì việc giữ gìn thương hiệu một loại bánh đặc sản đang được các cấp chính quyền và nhân dân chú trọng. Tuy nhiên để cạnh tranh được với thị trường thì người làm bánh cần có cái tâm với nghề.
Nói đến Thái Bình người ta nghĩ ngay tới ổi bo, bánh cáy, nhưng không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức bánh cáy ngon từ đôi bàn tay của những nghệ nhân của làng Nguyễn làm ra. Mua bánh cáy thì dễ nhưng chọn được một hộp bánh ngon, chất lượng cũng không dễ chút nào. Bởi, lợi dụng uy tín của các cơ sở có tên tuổi trong xã, nhiều cơ sở sản xuất nhái nhãn mác y như thật để trục lợi. Vô hình chung vì cái lợi trước mắt, họ đã tự đánh mất đi thương hiệu nổi tiếng của mình.
Ông Nguyễn Duy Hoàng, chủ cơ sở bánh cáy Hoàng Thắng tâm sự: “Nhiều gia đình làm bánh cáy trong xã bị nhái hàng đặt lắm. Chúng tôi chẳng biết kêu ai mặc dù biết là bị cạnh tranh không lành mạnh. Giá mà được đăng ký thương hiệu thì tốt biết mấy. Tuy nhiên, đã từ lâu rồi, chính quyền không can thiệp. Các hộ tự làm tự bán”. Hiện nay, nhu cầu của thị trường tiêu thụ bánh cáy rất lớn. Nhưng do bánh cáy chưa được bảo hộ trong kinh doanh nên bị cạnh tranh là lẽ đương nhiên.
sblaw.vn Theo NN