ĐƯỢC NÂNG LƯƠNG TRƯỚC THỜI HẠN CHO 10% SỐ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC/NĂM
Đây là nội dung được quy định tại Nghị định số 17/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành ngày 19/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ mà chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định. Các cơ quan, đơn vị được phép nâng lương tối đa cho 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của cơ quan, đơn vị mình (theo quy định cũ chỉ được tối đa 5%).
Đồng thời, Chính phủ cũng quyết định tăng đồng loạt hệ số lương của 04 bậc quân hàm cấp tướng (Đại tướng, Thượng tướng, Trung tướng, Thiếu tướng) lên lần lượt là 11,00; 10,40; 9,80; 9,20 (quy định cũ lần lượt là 10.40; 9.80; 9.20; 8.60). Thời hạn nâng lương của các bậc quân hàm cấp tướng này là 04 năm.
Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung thêm 90 ngạch công chức và chức danh viên chức; trong đó, bổ sung 05 đối tượng vào ngạch công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1); 06 đối tượng vào ngạch công chức loại A2.1; 08 đối tượng vào ngạch công chức loại A1; 07 đối tượng vào ngạch công chức loại B và bổ sung "Nhân viên bảo vệ kho dự trữ" vào ngạch công chức loại C...
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/04/2013.
KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT THỰC PHẨM ĐÔNG LẠNH PHẢI ĐẶT CỌC 5 TỶ
Ngày 18/02/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BCT quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa. Thông tư quy định cụ thể về điều kiện hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất một số loại hàng hóa. Cụ thể, kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh phải đáp ứng đủ các điều kiện như sau: Được thành lập tổi thiểu là 02 năm và đã có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa; có số tiền ký quỹ đặt cọc là 5 tỷ đồng; có kho, bãi phục vụ việc kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Tương tự, kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt và kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng cũng phải đáp ứng yêu cầu được thành lập tối thiểu 02 năm, đã có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc tạm nhập tái xuất hàng hóa và có số tiền ký quỹ đặt cọc là 5 tỷ đồng, tuy nhiên không cần có kho, bãi phục vụ việc kinh doanh. Ngoài ra, Thông tư yêu cầu không được chia nhỏ công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định. Các hàng hóa tạm nhập tái xuất được quy định tại Thông tư này cũng không được chuyển sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/04/2013, bãi bỏ các Thông tư số 33/2010/TT-BCT ngày 11/09/2010; Thông tư số 21/2011/TT-BCT ngày 20/05/2011; Quyết định số 5737/QĐ-BCT ngày 28/09/2012.
CẢNH BÁO SỨC KHỎE PHẢI CHIẾM TỐI THIỂU 50% DIỆN TÍCH VỎ BAO THUỐC LÁ
Đây là quy định mới được Liên bộ Y tế - Công Thương quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 08/02/2013 hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.
Theo đó, từ ngày 01/05/2013, thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khỏe trên bao bì theo mẫu quy định; song song với rìa trên mặt chính trước và mặt chính sau của bao bì thuốc lá; được in từ 04 màu cơ bản trở lên với độ phân giải không được dưới 300 DPI và phải đảm bảo không bị che lấp hoặc che mờ bởi bất kỳ vật liệu, hình ảnh, thông tin nào khác. Đặc biệt, diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá (so với quy định cũ là tối thiểu 30%).
Cũng tại Thông tư này, Liên bộ đã ban hành 06 mẫu cảnh báo sức khỏe kèm theo và yêu cầu các loại sản phẩm thuốc lá của 01 nhãn hiệu thuốc lá, các nhãn hiệu thuốc lá khác nhau của 01 nhà sản xuất phải in các mẫu cảnh báo sức khỏe khác nhau và thay đổi định kỳ 02 năm/lần. Trường hợp 01 nhãn hiệu thuốc lá có trên 06 loại sản phẩm, 01 nhà sản xuất có trên 06 nhãn hiệu thuốc lá thì phải in đồng thời đủ 06 mẫu cảnh báo sức khỏe...
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2013; bãi bỏ các quy định về ghi nhãn, in cảnh báo trên bao bì thuốc lá tại Quyết định số 02/2007/QĐ-BYT ngày 15/01/2007.
ĐẾN 2015, HÌNH THÀNH ÍT NHẤT 200 DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Ngày 22/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao tại Quyết định số 347/QĐ-TTg.
Chương trình này đề ra mục tiêu đến năm 2015, hình thành và phát triển ít nhất 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được khuyến khích phát triển; ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh sản xuất công nghệ cao để đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu sản phẩm công nghệ cao thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước đồng thời đạt giá trị xuất khẩu khoảng 15% giá trị sản lượng…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ để có động lực phát triển. Cụ thể: các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trong việc nghiên cứu thích nghi, làm chủ, hoàn thiện và phát triển công nghệ nhập khẩu, công nghệ được chuyển giao…; tìm hiểu thị trường, tiếp thị và quảng bá cho sản phẩm công nghệ cao…
Ngoài các ngành công nghiệp công nghệ cao, thì các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao như: linh kiện, phụ tùng, vật liệu chế tạo; thiết bị và dịch vụ cho công nghiệp công nghệ cao… cũng được ưu tiên phát triển.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
MỖI NĂM DÀNH 20-25% TỔNG CHI NGÂN SÁCH CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Đây là chủ trương của Đề án tổng thể cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013.
Cụ thể, trong mục tiêu tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư tư công, Đề án chủ trương mỗi năm dành khoảng 20% - 25% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển; duy trì tỷ trọng đầu tư Nhà nước hợp lý, khoảng 35% - 40% tổng đầu tư xã hội; huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm tổng đầu tư xã hội khoảng 30% - 35% GDP; duy trì ở mức hợp lý các cân đối của nền kinh tế như: tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, ngân sách Nhà nước… Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi đầu tư vào phát triển hạ tầng…
Bên cạnh đó, nhằm tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, Đề án đề ra mục tiêu đến cuối năm 2015 hình thành
được ít nhất từ 1 - 2 ngân hàng thương mại Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại có cổ phần chi phối của Nhà nước đạt trình độ khu vực về quy mô, quản trị, công nghệ và năng lực cạnh tranh. Đến năm, 2020, phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng… Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
THAY ĐỔI CÁCH TÍNH GIỚI HẠN GIÁ CHÀO CỦA NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN
Ngày 08/02/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2013/TT-BCT quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, trong đó đáng chú ý là quy định về việc thay đổi cách tính giới hạn giá chào của nhà máy thủy điện.
Theo Thông tư này, giá chào của các tổ máy phát điện trên thị trường điện được giới hạn từ giá sàn bản chào (với mức 0 đồng/kWh) đến giá trần bản chào. Trong đó, giá trần bản chào của nhà máy thủy điện có hồ chứa điều tiết trên 01 tuần sẽ được xác định căn cứ theo giá trị nước tuần tới của nhà máy đó, bằng giá trị lớn nhất của giá trị nước tại nhà máy đó hoặc giá trung bình của các giá trần bản chào của các tổ máy nhiệt điện tham gia thị trường điện trong kế hoạch vận hành tháng. Riêng giá trần bản chào của nhà máy thủy điện có hồ chứa điều tiết từ 02 ngày đến 01 tuần sẽ bằng giá trị nước cao nhất của các nhà máy thủy điện tham gia thị trường hoặc giá trung bình của các giá trần bản chào của các tổ máy nhiệt điện tham gia thị trường điện trong kế hoạch vận hành tháng (theo quy định cũ, giá trần bản chào được tính bằng 110% giá trị nước). Bên cạnh đó, Thông tư đã chỉ rõ: Các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo không phải thủy điện sẽ không được tham gia thị trường điện canh tranh, thay vì chỉ quy định các nhà máy điện gió và nhà máy điện địa nhiệt không được tham gia thị trường điện như trước đây.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/03/2013 và thay thế Thông tư số 18/2010/TT-BCT ngày 10/05/2010 và Thông tư số 45/2011/TT-BCT ngày 30/12/2011.