Hiện nay, trong pháp luật về thị trường trái phiếu còn nhiều lỗ hổng khiến cho nhiều doanh nghiệp lợi dụng gây ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có những giải đáp về vấn đề trên. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law
Câu hỏi 1: Các loại trái phiếu không có tài sản đảm bảo thì giờ các trái chủ phải làm như thế nào để lấy lại quyền lợi ?
Trả lời:
Theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP) quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, quy định “Trái phiếu có bảo đảm” là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoặc được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định trên có thể hiểu trái phiếu không có bảo đảm là loại trái phiếu không được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc phần gốc, lãi bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc bên thứ ba hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính tín dụng. Hiện nay trên thị trường trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm chiếm một tỷ lệ lớn, việc đầu tư vào trái phiếu không có tài sản bảo đảm này được cảnh báo tồn tại nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư.
Tại Điều 34 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP) quy định một trong những trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP) quy định về quyền lợi của nhà đầu tư mua trái phiếu như sau: Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.
Theo điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP) quy định trách nhiệm của nhà đầu tư mua trái phiếu là tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn cho người chủ sở hữu trái phiếu. Đối với trái phiểu bảo đảm thì được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoặc được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế theo quy định của pháp luật. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu không có tài sản bảo đảm vẫn có quyền yêu cầu doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn tuy nhiên do không có tài sản bảo đảm nên mức độ yêu tiên thanh toán của loại trái phiếu này sẽ thấp hơn. Điều quan trọng nhất cần chú ý là tình hình tài chính của Doanh nghiệp đó có thể đáp ứng được yêu cầu thanh toán của các nhà đầu tư hay không.
Câu hỏi 2: Hiện nay lỗ hổng pháp lý của thị trường trái phiếu là gì ?
Trả lời:
Các quy định pháp luật về trái phiếu vốn đã được hình thành từ lâu, tuy nhiên thực tế việc chào bán, sở hữu trái phiếu mới diễn ra vài năm trở lại đây, các thủ tục rườm rà đôi khi chỉ là hình thức và “tạo rào” dẫn đến doanh nghiệp không đáp ứng được hoặc không thiết tha thực hiện (như chào bán trái phiếu ra công chúng). Nhưng lại có những quy định mang tính chất mở cửa quá thông thoáng (như chào bán trái phiếu riêng lẻ không có tài sản bảo đảm) dẫn đến nhiều doanh nghiệp tận dụng “lỗ hổng” này để thực hiện các hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các trái chủ, gây mất niềm tin của người dân đối với thị trường trái phiếu và công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Hiện nay, cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về tính độc lập của doanh nghiệp phát hành, đơn vị tư vấn thẩm định, đơn vị phát hành, đơn vị bảo lãnh… để tránh “sở hữu chéo” trên thị trường; chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Bên cạnh đó, cũng chưa có quy định cụ thể về việc xác định thiệt hại của nhà đầu tư và trình tự, thủ tục để nhà đầu tư chủ động thực hiện các biện pháp thu hồi vốn thông qua việc sử dụng, định đoạt các tài sản bảo đảm…
Để minh bạch thị trường trái phiếu Doanh nghiệp, bịt lại các “lỗ hổng” tháng 9/2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nghị định 65 chỉ mới tập trung đưa ra các quy định phục vụ công tác quản lý nhà nước nhằm tối ưu hơn, nhưng lại “vô tình” bóp nghẹt phía cầu, siết chặt các điều kiện đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dẫn đến thị trường trái phiếu chỉ còn người bán mà không có người mua, thanh khoản ngày càng cạn kiệt, đẩy doanh nghiệp vào tình trạng đứt gãy dòng tiền, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đến sự phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước hậu Covid-19.
Câu hỏi 3: Các bên liên quan đã lợi dụng lỗ hổng đó để trục lợi thế nào? Cần khắc phục ra sao?
Trả lời:
Như phân tích ở trên thì với nhiều “lỗ hổng” trong quy định về thị trường trái phiếu trên thì “lỗ hổng” được nhiều doanh nghiệp sử dụng nhất là việc phát hành trái phiếu một cách tràn lan và không hề có tài sản bảo đảm gây rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Nếu có tài sản đảm bảo thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ ưu tiên sử dụng phương án vay ngân hàng chứ không phát hành trái phiếu, bởi lãi suất vay thường giữ ổn định và thấp hơn lãi suất của trái phiếu. Việc phát hành trái phiếu vì vậy thường được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không có hoặc không đủ tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo không đủ điều kiện để làm phương án vay vốn. Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP không quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ bắt buộc phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán, vì vậy, các doanh nghiệp phát hành trên thực tế thường “mượn hơi” các công ty mẹ hoặc các công ty liên quan có chung nguồn gốc sở hữu hoặc sử dụng các tài sản bảo đảm không đủ điều kiện (chẳng hạn như tài sản hình thành trong tương lai) để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư nếu thực sự không tiếp cận được chi tiết về phương án phát hành và hiểu rõ về doanh nghiệp phát hành, hoặc thậm chí không đọc kỹ hợp đồng mua trái phiếu thì rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là rất cao.
Giải pháp để khắc phục những “ lỗ hổng” trên
- Trong ngắn hạn, giải pháp trước tiên là cần giải toả áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp phát hành. Cơ quan quản lý Nhà nước cần luật hoá hành lang để các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể đàm phán, thoả thuận về việc mua lại trái phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, hoặc thậm chí là định giá tài sản, định giá doanh nghiệp, bán đấu giá tài sản, tái cấu trúc doanh nghiệp, …
- Với nhóm doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc thực hiện dự án, hoặc chuyển nhượng dự án thứ cấp, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, tài chính – ngân hàng thì Chính phủ cũng cần có cơ chế cho các doanh nghiệp này hoàn thiện dự án hoặc chuyển nhượng dự án thứ cấp và tạo dựng dòng tiền.
- Về dài hạn, doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh, kéo dài thời gian thanh toán cho đối tác và rút ngắn thời gian vay đối với khách hàng. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần giải quyết dứt điểm, nhanh chóng và nghiêm minh đối với những vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với thực tế thị trường để các doanh nghiệp và nhà đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện.Cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Thị trường cũng cần có những tổ chức độc lập và uy tín để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, công bố các thông tin cập nhật về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Đối với nhà đầu tư, cần tìm hiểu kỹ lưỡng về quy định pháp luật, về thị trường vốn, thông tin về doanh nghiệp phát hành để nhận diện các rủi ro của thị trường. Đa dạng hoá các lựa chọn đầu tư và cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia kinh tế để dự báo về diễn bién của thị trường, tư vấn của các Luật sư về rủi ro có thể xảy ra về mặt pháp lý, phòng ngừa và tránh các hệ luỵ không mong muốn.