Trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Công ty mình có trụ sở tại Hà Nội. Mới đây, công nhân sản xuất của công ty mình làm hàng bị lỗi, công ty tính số hàng bị lỗi thành tiền và phạt công nhân trừ vào lương, mức phạt của mỗi người là 556.000đ và mức lương thực tế của người lao động là 4.500.000đ. Vậy công ty mình làm như thế đúng hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW Cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 130 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:

“1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này …”.

Theo quy định trên, khi công nhân có lỗi trong việc làm hư hỏng hàng hóa của công ty - đây là tài sản của công ty thì người lao động phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên.

Nếu giá trị số hàng đó không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng thì công nhân đó phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng kể từ ngày 01/01/2017 theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP như sau:

+ Mức 3.750.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

+ Mức 3.320.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

+ Mức 2.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

+ Mức 2.580.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Bạn xác định giá trị tài sản bị thiệt hại là bao nhiêu để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bạn.

Hình thức khấu trừ vào tiền lương theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:

“Điều 32. Bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

1. Người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi gây thiệt hại bằng hình thức khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại Khoản 3 Điều 101 của Bộ luật Lao động do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố”.

Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập theo quy định Khoản 3 Điều 101 Bộ luật lao động 2012.

Như vậy, theo các quy định trên, mỗi công nhân làm hỏng sản phẩm của công ty có giá trị là 556.000 đồng và công ty khấu trừ vào tiền lương (lương mỗi công nhân là 4.500.000/tháng) là phù hợp quy định pháp luật.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan