Học việc để làm việc cho chủ Salon tóc có phải đóng học phí và có được trả lương không?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Mình hiện đang học làm tóc như hình thức học việc để sau này làm chính thức luôn của một salon tóc. Trong thời gian 2 tháng học, mình không được nhận tiền công nào mặc dù mình đã thực hiện một số công việc và làm nhiều kiểu tóc hoàn thành cho khách hàng. Mỗi tháng học lại phải đóng cho chủ salon 1 triệu tiền học phí nữa. Cho mình hỏi chủ salon tóc làm như thế có đúng không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo bạn cung cấp thông tin thì bạn đang học việc tại một cửa hiệu làm tóc để sau này làm việc chính thức luôn cho chủ hiệu tóc. Mặc dù đã làm được nhiều sản phẩm tóc hoàn chỉnh nhưng lại không được hưởng lương hay được chi phí gì mà còn phải nộp tiền học phí là 1 triệu đồng/tháng. Vậy chủ hiệu tóc làm như vậy có đúng không căn cứ vào các quy định sau:

Theo Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động như sau:

“1. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí.

Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.

Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thoả thuận.

3. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo điều kiện để người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”.

Thứ nhất, chủ hiệu tóc tuyển bạn của bạn vào học nghề để sau này làm việc chính thức cho chủ cửa hiệu đó thì không được thu học phí. Như vậy, việc thu học phí của chủ hiệu tóc đó là trái quy định của pháp luật.

Thứ hai, về việc bạn làm ra nhiều sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không được trả công. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 Bộ luật lao động 2012 nêu trên thì trong thời gian học nghề, nếu bạn trực tiếp hay tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, trường hợp này bạn đã chính tay làm ra những mẫu tóc cho khách hàng được hoàn chỉnh thì được chủ hiệu tóc trả lương, mức trả như thế nào sẽ do hai bên thỏa thuận. Như vậy, chủ hiệu tóc không trả lương cho bạn của bạn là trái quy định của pháp luật.

Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình bạn của bạn nên đề nghị với chủ hiệu tóc để được trả lương khi trong quá trình học việc tạo ra được các sản phẩm hoàn chỉnh.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm đối với người sử dụng lao động về vi phạm quy định về đào tao nghề như sau:

“Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không đào tạo nghề cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề, công việc khác; không ký kết hợp đồng đào tạo nghề đối với người học nghề, tập nghề; không trả lương cho người học nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; không tiến hành ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề, theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan