Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước đề cập đến nội dung đối tượng kiểm toán được bổ sung, là: “Người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Quy định này ngay lập tức đã tạo nên một luồng tranh cãi lớn trong dư luận.

Chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ

Bình luận về những quy định tại dự thảo lần này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW khẳng định quy định này sẽ tạo ra sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế, sau cùng sẽ gây khó cho doanh nghiệp.

Theo đó, về đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Điều 4 Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 quy định:“Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.

Trong khi đó, dự thảo Luật lại mở rộng so Điều 4 của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành, cụ thể bổ sung đối tượng được kiểm toán là “người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2006, khái niệm “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, do đó, việc mở rộng đối tượng kiểm toán sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện đơn vị được kiểm toán”, ông Hà phân tích.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khẳng định việc bổ sung thêm đối tượng kiểm toán như yêu cầu của Dự thảo Luật Kiếm toán là không thuyết phục

Nhiều chuyên gia cho rằng, khẳng định việc bổ sung thêm đối tượng kiểm toán là người nộp thuế như yêu cầu của Dự thảo Luật Kiếm toán là không thuyết phục

Đồng quan điểm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, người nộp thuế chỉ góp phần tạo lập, không tham gia vào quy trình quản lý, sử dụng tài chính công nên chỉ có vai trò phối hợp cung cấp thông tin trong quá trình kiểm toán. Việc bổ sung đối tượng được kiểm toán chưa thực sự thuyết phục vì các khó khăn, vướng mắc này chủ yếu phát sinh từ thực tiễn hoạt động, do công tác tuyên truyền, phối họp của các cơ quan liên quan, không xuất phát từ bất cập của luật hiện hành.

Thông lệ quốc tế nhiều quốc gia không quy định đây là đối tượng được kiểm toán mà chỉ quy định là tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, việc không chỉ rõ đối tượng được kiểm toán và quy định theo hướng “tổ chức khác” là chưa bảo đảm tính cụ thể của luật, và việc giao Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định tại khoản này có thể dẫn đến thiếu minh bạch, cụ thể, chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng được kiểm toán.

Không nên mở rộng đối tượng kiểm toán

Ở góc nhìn chuyên gia, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm, quyền kiểm toán đối với các khu vực công, những đơn vị sự nghiệp có sử dụng nguồn lực, tài chính công, một số doanh nghiệp mà Nhà nước có đầu tư tài sản.

Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân được quyền kiểm toán đối các doanh nghiệp tư nhân lớn quan trọng, tác động liên quan đến nền kinh tế quốc dân như các ngân hàng thương mại cổ phần để đảm bảo tính công khai minh bạch, rõ ràng, và an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và nền kinh tế.

“Tuy nhiên, nếu kiểm toán rộng rãi đến các doanh nghiệp và người nộp thuế thì cần phải xem xét vì kiểm toán rộng rãi với tất cả người nộp thuế là không đơn giản và đòi hỏi lực lượng kiểm toán viên rất đông và mạnh. Bên cạnh đó, trong cơ cấu kiểm toán hiện nay còn có các doanh nghiệp kiểm toán độc lập, và kiểm toán quốc tế. Nếu họ vừa kiểm toán rồi mà Kiểm toán Nhà nước lại vào kiểm toán thì không cần thiết, chưa kể kiểm toán Nhà nước làm gì có đủ nguồn lực để làm. Như thế sẽ phức tạp và không cần thiết do đó cần cân nhắc một cách hợp lý”, ông Thịnh bày tỏ.

Về vấn đề giải pháp, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, dự thảo Nghị định không nên mở rộng đối tượng kiểm toán nhà nước mà chỉ nên làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan khi tiến hành kiểm toán.

Nguồn: http://enternews.vn/khong-nen-mo-rong-doi-tuong-kiem-toan-147042.html