Xử phạt với hành vi ép uống rượu bia

Nội dung bài viết

Mới đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law có bài trả lời phỏng vấn về quy định xử phạt người có hành vi ép buộc người khác uống rượu bia trong Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Dưới đây là nội dung bài phỏng vấn:

1.Với Nghị định về xử phạt việc ép người khác uống rượu bia, ông đánh giá như thế nào về mặt tích cực của Nghị định này? Liệu nghị định có đạt tính khả thi cao không?

Trả lời:

Ngày 28/09/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, trong đó, điểm nổi bật của Nghị định là việc quy định xử phạt đối với hành vi lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia, cụ thể là được quy định tại Điểm b Khoản 2 và Điểm b Khoản 3 Điều 30:

“Điều 30: Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật;

b) Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập;

b) Ép buộc người khác uống rượu bia.

Theo đó, người nào có hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia” sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, người nào có hành vi “ép buộc người khác uống rượu bia” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Các quy định nhằm triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu bia năm 2019 trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP đã có sự tiến bộ, các quy định đủ sức răn đe và có ý nghĩa tạo thói quen văn minh cho người dân. Phong tục tập quán ở nhiều nơi tại Việt Nam là mời rượu để bày tỏ sự hiếu khách, “khách đến nhà không trà thì rượu”. Những buổi liên hoan, giao lưu hay những bữa tiệc nếu có thêm chút rượu bia thì cũng có không khí hơn. Việc mời nhau một, hai chén rượu là chuyện bình thường và là hành vi không bị cấm. Tuy nhiên với nhiều người, việc mời rượu bia không dừng ở mời mọc xã giao mà đã bị biến tướng thành sự ép nhau uống, khiến người trong cuộc đôi khi “buộc” phải uống, kéo theo sau đó là những hệ quả xấu từ cuộc nhậu.

Vì vậy, quy định xử phạt hành vi xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu tại Nghị định là rất tích cực. Tuy nhiên, việc các quy định này có khả thi trên thực tế hay không là một câu chuyện khó khăn hơn. Thế nào là “Xúi giục, kích động, lôi kéo”, thế nào là “ép buộc” người khác uống rượu bia vẫn chưa được xác định rõ. Ai là người giám sát, ai có thể kết luận được hành vi xúi giục, lôi kéo, … để xử phạt vẫn là những khoảng trống trong quy định.

2. Theo ông, những khó khăn trong xử phạt những đối tượng này là gì?

Trả lời:

Thứ nhất, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về xác định hành vi, ở mức độ nào là những lời mời thông thường, ở mức độ nào được coi là “xúi giục, kích động, lôi kéo”, ở mức độ nào là “ép buộc”. Vì cần phải phân biệt rõ ràng giữa mời rượu và ép rượu, vì việc mời rượu bia thể hiện tình cảm giữa mọi người với nhau, chỉ cần đảm bảo sao cho việc uống rượu bia văn minh và lịch sự.

Thứ hai, chưa quy định về người có quyền kết luận hành vi là xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia để xử phạt.

Thứ ba, chưa có hướng dẫn cụ thể về cách phát hiện, tố giác người vi phạm. Cần phải có các quy định về việc làm chứng hoặc quy định về các bằng chứng là hình ảnh, video ghi lại các hành vi, thì sau đó mới có thể xử phạt được.

3. Hiện nay, các chế tài xử phạt vi phạm phòng chống tác hại rượu bia đã thỏa đáng chưa?

Trả lời:

Luật phòng chống tác hại của bia rượu 2019 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Theo quy định tại Luật này, có 13 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm triệt để hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020). Theo đó, Nghị định này đã tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn (mức 3). Nghị định cũng bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1 đối với xe mô tô theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016 trước đây quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.

Có thể thấy, việc Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định nâng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đã có những tác động mạnh mẽ, trực tiếp tới đông đảo người dân, trực tiếp tạo thay đổi lớn về nhận thức và hành vi của cả xã hội về bia, rượu, nâng cao nhận thức của đại bộ phận người dân về việc đã uống rượu, bia thì không lái xe; góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chủ yếu là từ bia, rượu gây ra.

4. Theo ông cần có chế tài xử phạt như thế nào để Nghị định đạt tính khả thi cao và thực sự đi vào cuộc sống?

Trả lời:

Tại Việt Nam, việc nâng mức phạt như trong Nghị định số 100/2019/NĐ-CP là cần thiết nhưng mới giải quyết được một phần của vấn đề sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Tại một số nước phát triển như Nhật Bản, mức phạt tiền trong khoảng từ 5.000 - 10.000 USD, tại Anh và Singapore vào khoảng 4.000 USD. Ngoài ra, người vi phạm còn chịu phạt tù ba đến sáu tháng như ở Anh, Singapore, thậm chí đến ba năm như ở Nhật Bản, Hàn Quốc; kèm theo đó là hình phạt tước bằng, giấy phép lái xe, phạt lao động công ích, ... Nếu tái phạm, người vi phạm sẽ chịu các mức phạt lũy tiến cao hơn. Việt Nam có thể tham khảo những hình thức xử phạt nêu trên của các quốc gia tiên tiến để cải thiện, làm tăng tính khả thi khi áp dụng trên thực tế điều kiện xã hội tại Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang chưa có cơ sở dữ liệu cụ thể về từng trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông nên hậu quả là tính răn đe trong việc xử phạt còn chưa cao. Thời gian tới, cần thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự an toàn giao thông, quản lý việc tuân thủ pháp luật của lái xe và phạt lũy tiến nếu có tái phạm.

Đồng thời, để đảm bảo các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các Nghị định đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng thì ngoài các quy định của pháp luật phải được thực hiện nghiêm túc, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi nhiêm vụ thì người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong vấn đề uống rượu, bia. Bên cạnh đó, vai trò của công tác truyền thông cũng hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến những tác hại của rượu, bia để xã hội và cộng đồng nâng cao nhận thức của mình trong việc tiêu dùng rượu, bia.

 

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan