Vấn đề sao chép tài liệu để học gần đây đang gây ra nhiều cuộc tranh luận. Các vấn đề pháp lý xuay quanh vấn đề này được Luật sư Phạm Duy Khương - Giám đốc công ty luật SB LAW, phó giám đốc hiệp hội Quyền sao chép
Theo TGTT phân tích rõ trong bài viết dưới đây.
Đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp vì vi phạm bản quyền là việc than ôi rất khó và hiếm. Đình chỉ học tập của sinh viên vi phạm bản quyền về bản chất không khác việc đình chỉ doanh nghiệp là mấy.
Thế mới thấy ĐH Luật TPHCM đã làm được việc xưa nay hiếm. Vậy ĐH luật TPHCM đúng hay sai?
Copy giáo trình để học có sai?
Sai. Điều 25, luật Sở hữu trí tuệ trong đó quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao: “a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;”. Nhưng xin thưa, đấy là nghiên cứu khoa học chứ không phải để học. Quy định về bản quyền Việt Nam và thế giới đều tách biệt hai khái niệm này. Đa phần mọi người nhầm lẫn vì “Nghiên cứu khoa học” và “Học tập” là hai khái niệm khác nhau.
Định nghĩa về Nghiên cứu khoa học được nêu tại Khoản 4, Điều 3, luật Khoa học công nghệ 29/2013/QH13: “4. Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn”. Nghiên cứu khoa học gồm Nghiên cứu khoa học ứng dụng và Nghiên cứu khoa học cơ bản. Do đó, việc học tập bình thường của sinh viên không thể được xem là Nghiên cứu khoa học.
ĐH Luật TPHCM có nắm bản quyền?
Có. Bản quyền không cần đi đăng ký để được thừa nhận. Quyền tự động phát sinh từ khi được thể hiện dưới một hình thù nhất định.
Có chắc là giáo trình ĐH Luật không sao chép?
Không quan tâm. Khi chưa chứng minh được điều ngược lại thì phải thừa nhận quyền của trường. Trong luật Sở hữu trí tuệ có quy định về quyền mặc định. Có nghĩa là khi chưa chứng minh được điều ngược lại thì phải thừa nhận quyền của ĐH Luật.
Việc trường Luật kiên quyết như vậy đúng?
Đúng nốt. Và là sinh viên trường luật nên là người nhận thức tốt nhất về bản quyền. Phải biểu dương và nhân rộng phong trào này.
Trường ĐH Luật TPHCM có được phép kết luận hành vi của sinh viên là vi phạm bản quyền không?
Không. Trường không có thẩm quyền. Tuy nhiên, với vai trò là chủ sở hữu quyền bị xâm phạm thì trường ĐH Luật TPHCM hoàn toàn có quyền lên tiếng hoặc có thư nhắc nhở, cảnh báo về vi phạm bản quyền đối với sinh viên.
Vậy hành vi nào của ĐH Luật TPHCM đáng bàn?
Xử phạt là đúng, chống vi phạm bản quyền là đúng, nhưng phạt như thế nào? Như nêu trên việc đình chỉ sinh viên một năm tương đương với trường hợp doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động do vi phạm bản quyền. Để đình chỉ được như vậy thì doanh nghiệp phải mắc lỗi siêu nặng. Vậy hành vi của sinh viên có được xem là lỗi nặng? Vâng, có lỗi thì chắc chắn rồi, nhưng siêu nặng thì chưa. Cảm giác như em còng lưng gánh cho mọi lỗi của thiên hạ vậy, bởi trường lập luận là đã tuyên truyền nhiều rồi. Lập luận này cũng không khác với việc nhà nước ta lâu nay vẫn tuyên truyền về vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, khi một cá nhân bị phát hiện vi phạm thì mức độ xử phạt phải dựa vào yếu tố: lỗi cố ý hay vô ý, mức độ vi phạm, có tái phạm không? Nếu xét yếu tố này áp lên lần vi phạm đầu tiên của sinh viên là đình chỉ học một năm thì nặng thật. Rất may trường ĐH Luật TPHCM đã có điều chỉnh mức phạt theo hướng phù hợp.
Vậy có giải pháp nào không?
Có. Chắc chắn là có, chỉ có điều chúng ta có làm không?
Phải thay đổi tư duy của học sinh từ cấp nhỏ nhất về vấn đề bản quyền. Vậy làm thế nào? Chỉ cần không ăn một cái bánh McDonald’s là đủ. Đây là cách mà nhiều nước trên thế giới áp dụng để thay đổi nhận thức của học sinh mọi cấp. Ví dụ như Úc, Singapore, New Zealand, Nhật Bản… học sinh thường niên phải đóng khoản phí bản quyền có giá bằng một cái bánh McDonald’s để có Quyền sao chép tài liệu. Theo đó, học sinh được tiếp cận nhiều nguồn tài liệu quý để sao chép. Điều này vừa nâng ý thức bản quyền từ nhỏ, vừa đảm bảo về mặt học thuật.
Trước đây cũng từng có quan điểm giáo dục là vùng cấm của thu tiền bản quyền, tuy nhiên, quan điểm này đã thay đổi khi được dẫn chiếu bởi cơ sở pháp lý của Việt Nam, cũng như thực tiễn của thế giới và đi cùng với sự thay đổi này là sự ra đời của hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO), với chức năng hoạt động là quản lý quyền sao chép. Hiện tại, VIETRRO đang làm việc với một số trường để triển khai kế hoạch thu phí. Bên cạnh đó, VIETRRO cũng đang có trong tay rất nhiều hợp đồng song phương với các nước như: Hong Kong, Nhật Bản, Úc… để sử dụng các học liệu quý từ nước bạn (hiện đang đàm phán với Mỹ). Nếu VIETRRO và các trường hợp tác được thì học sinh tại Việt Nam sẽ được sử dụng nguồn tài liệu quý này hợp pháp.
Nhìn lại Việt Nam, các trường cũng nên ủng hộ cách làm về Quyền sao chép này. Trước để nâng cao nhận thức, sau đảm bảo học sinh nghèo cũng có tiền đọc sách, sau nữa là nâng cao thu nhập cho tác giả, chủ sở hữu. Khi đó cả nhà cùng vui vì ai cũng có quà.