Xử phạt người đứng đầu các đơn vị để nhân viên uống rượu, bia trong giờ làm việc

Nội dung bài viết

SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW về vấn đề Xử phạt người đứng đầu các đơn vị để nhân viên uống rượu, bia trong giờ làm việc.

1. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 117, mà một trong những nội dung đáng chú ý là Nghị định đề ra việc xử phạt người đứng đầu các đơn vị để nhân viên uống rượu bia trong giờ làm việc và tại cơ quan. Anh đánh giá như thế nào về tính khả thi của quy định này?

Trả lời:

Ngày 15/11/2020, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế vừa qua đã có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định số 176/2013/NĐ-CP. Đáng chú ý, Nghị định quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác tác hại của rượu bia, cụ thể là là luật hóa hành vi uống rượu, bia trong giờ làm việc, tại nơi làm việc.

Cụ thể, Điều 34 của Nghị định quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức; Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu, bia trong địa điểm không uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý, điều hành; và Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc, quyền quản lý, điều hành.

Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải không thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiến phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, Nghị định này lại không quy định cụ thể về ai là người đứng đầu của các cơ quan tổ chức, chỉ có thể xác định người đứng đầu thông qua các chức danh quản lý và lãnh đạo của các tổ chức thì sẽ rất khó xử lý đối với hành vi vi phạm, phải xác định được chủ thể thì xử phạt dễ, nếu sai thì dễ bị khởi kiện.

Trách nhiệm đã được gắn cho người đứng đầu tuy nhiên người đứng đầu sử dụng chế tài như thế nào? Đối với những trường hợp vì mối quan hệ thân quen, sợ ảnh hưởng đến thi đua, va chạm nên không nghiêm túc thưc hiện các quy định.

Bên cạnh đó, nếu muốn quy định trên khả thi thì phải sử dụng những chế tài làm sao vừa có tính răn đe, vừa giúp mọi người thực hiện tốt, xử lý những trường hợp vi phạm làm gương cho những người thực hiện.

2. Vậy lực lượng nào sẽ giám sát để phát hiện các trường hợp vi phạm và tố giác việc thực thi quy định này?

Trả lời:

Hiện Nghị định đã có quy định về thẩm quyền xử phạt nhưng lực lượng nào được giao chuyên trách và làm sao họ chứng minh được hành vi vi phạm thì lại chưa được Nghị định đề cập đến.

Người tố giác người đứng đầu cơ quan tổ chức để người thuộc cơ quan tổ chức mình uống rượu, bia trong địa điểm làm việc hoặc không phải địa điểm được phép uống sẽ tố giác ngay khi hành vi vi phạm đang xảy ra, hoặc thu thập được chứng cứ, hình ảnh, clip ghi lại hành động của người uống rượu bia, người bán để cơ quan chức năng xử phạt nhanh.

Nếu cấp phòng không xử lý được phải báo cáo lên cấp Sở, cấp Vụ, cấp Cục để xử lý. Ngoài những quy định của văn bản pháp luật ra, có những quy định của các cơ quan thì cũng cần phải rõ thì chúng ta mới thực hiện được. Cơ quan tổ chức nên quy định bất kì ai cũng được quyền tố giác nếu phát hiện được hành vi vi phạm. Mặt khác cần phải có quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ người tố cáo, tránh việc có quy định pháp luật nhưng không triển khai được trên thực tiễn bởi người tố cáo không được bảo vệ nên không dám tố cáo, theo đó, Nghị định sẽ không được đảm bảo thực hiện trên thực tiễn.

3. Nhiều người cho rằng, việc xử phạt này dễ hơn xử phạt ép người khác uống rượu, bia, ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Thứ nhất, nội dung của quy định xử phạt này rõ ràng hơn so với quy định xử phạt hành vi ép người khác uống rượu bia. Trong một mối quan hệ thông thường, rất khó để làm rõ định nghĩa của việc “ép” người khác uống rượu là như thế nào. Riêng trên bàn rượu có quá nhiều mối quan hệ và đôi khi các cá nhân dù không muốn nhưng vẫn uống rượu, bia vì “nể”, do “bị khích” hay vì các lý do tình cảm khác mà không rõ ràng trong việc xác định đây có phải là “ép rượu” hay không.

Thứ hai, trong môi trường một cơ quan, tổ chức, người đứng đầu có quyền hạn và lời nói của họ cũng có sức nặng nhất định, vậy nên việc gắn trách nhiệm lên họ là hợp lý bởi họ có điều kiện để có thể thực hiện quy định pháp luật. Hơn nữa, quy định này cũng chỉ gói gọn trong “giờ làm việc” nên việc xác định về mặt thời gian cũng dễ dàng hơn. Còn đối với việc xử phạt người “ép” người khác uống rượu, khi xác định đâu là hành vi “ép” đã khó thì việc xác định ai là người “ép” người khác và mức độ hành vi của họ, ai là người phải chịu trách nhiệm…sẽ còn khó khăn hơn.

Thứ ba, việc tổ chức thực hiện quy định này trong giờ làm việc cũng dễ dàng hơn nhờ vào việc giám sát và tố giác có thể phát huy hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cơ quan, văn phòng đã có lắp camera nên chúng ta cũng có thể tìm ra bằng chứng để xử phạt đúng người đúng tội. Nhưng tại các quán nhậu, trên bàn tiệc hoặc tại gia, rất khó để thực hiện chức năng giám sát; và tố giác thì còn khó hơn nữa vì tâm lý “thông cảm” của mọi người xung quanh. Do đó, so với việc xử phạt hành vi ép người khác uống rượu, bia; quy định này chắc chắn có tính thực tiễn cao hơn.

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, đối với các cơ quan, tổ chức ngoài nhà nước thì quá trình thực thi pháp luật của cơ quan chức năng sẽ gặp một số khó khăn vì hiện chưa có quy định cụ thể về người đứng đầu của cơ quan, tổ chức mà chỉ có thể xác định người đứng đầu thông qua các chức danh quản lý và lãnh đạo của các tổ chức.

4. Theo anh, cần có giải pháp gì để Nghị định có hiệu lực và được thực thi hiệu quả?

Trả lời:

Để có thể tổ chức thực thi Nghị định này một cách hiệu quả, ngoài việc các quy định phải rõ ràng, dễ áp dụng, dễ hiểu thì đòi hỏi sự nghiêm túc trong việc giám sát và xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền cũng như ý thức tự nguyện thực hiện và phối hợp của từng cơ quan, tổ chức và người dân. Các cơ quan, tổ chức cần phải xem xét hoàn cảnh, công việc cụ thể được quy định tại Điều lệ và các văn bản riêng của từng cơ quan, tổ chức để áp dụng hiệu quả quy định này.

Nghị định này đã quy định riêng một chương làm rõ Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Do đó, người có thẩm quyền cần phải nắm rõ trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của mình. Nếu như các quy định pháp luật của chúng ta tốt nhưng thực tiễn áp dụng lại có nhiều vấn đề thì Nghị định cũng sẽ không được thực thi một cách hiệu quả và không phát huy được tác dụng của nó.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông qua giáo dục nhằm phổ biến các quy định của Nghị định để tiếp cận gần hơn đến người dân. Từ đó xây dựng ý thức pháp luật trong từng người và dần dần tạo thành thói quen, văn hóa ứng xử tốt đẹp trong cuộc sống.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan