Gần đây, luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã trả lời phỏng vấn báo VOV.vn về nội dung Xử lý Việt phủ Thành Chương.
VOV.VN - Nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng cần tìm ra cách nào đó giữ lại Việt phủ Thành Chương là tốt nhất chứ không nên phá.
Việt phủ Thành Chương được họa sĩ Thành Chương xây dựng từ năm 2001, trên diện tích 8.000m2 và hoàn thành năm 2004. Năm 2006, Thanh tra Chính phủ kết luận khu phủ đã xây dựng trên đất có nguồn gốc đất rừng đặc dụng. Và mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cũng có kết luận công trình này vi phạm trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế, nhiều năm qua, Việt Phủ Thành Chương được coi như bảo tàng tư nhân với phong cách kiến trúc độc đáo, đậm nét văn hoá dân gian Việt Nam, thế nên, nhiều ý kiến cho rằng, xử lý sai phạm của Việt phủ Thành Chương cần được xem xét cẩn trọng. Đây không phải là một công trình dân dụng bình thường mà Việt Phủ Thành Chương từ lâu đã là một công trình văn hoá, một địa chỉ văn hoá có uy tín trong nước và quốc tế.
“Ai sở hữu cũng được, nhưng Việt phủ nên tồn tại”
Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, khu Việt phủ Thành Chương cả hình thức và nội dung đều chứa đầy phong vị và ăm ắp hồn quê xứ Việt. Các kiến trúc cổ và giả cổ đều được sắp xếp hết sức mỹ thuật, hợp lí, mà không chỉ là xác nhà, trong nó đầy ắp các hiện vật văn hóa nông nghiệp, dụng cụ sinh hoạt phản ánh một nền canh tác lúa nước và nhiều tác phẩm thuộc lĩnh vực điêu khắc, gốm sứ cổ và giả cổ.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đánh giá Việt phủ Thành Chương là “một khu bảo tàng văn hóa mà báo chí thế giới khắt khe nổi tiếng như CNN, The New York Times, Herald Tribune... đã phải tới quay phim, viết bài giới thiệu cho du khách văn hóa quốc tế trên toàn địa cầu”.
“Trong nước ta bấy nay nhiều công trình vẫn có xử lí phạt cho tồn tại dù nó không có giá trị văn hóa nào. Cho nên ý kiến muốn đập phá Việt phủ Thành Chương tôi cho rằng không thuận lòng tình lý”, nhà văn Nguyễn Vân Thọ nêu ý kiến.
Trả lời VOV.VN, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, hiện nay, văn hóa dân gian bị mất mát rất nhiều, những phong tục tập quán, lề thói, cấu trúc làng quê đẹp đẽ đang bị mai một đi trong cơn lốc đô thị hóa.
Ông Tiến nói: “Việc Việt phủ Thành Chương làm được từ nhiều năm nay là tái hiện lại những cái đã mất, đó là việc làm rất đáng trân trọng. Hơn thế nữa, đây lại là việc làm của một cá nhân, chứ không phải tập thể hay Nhà nước. Họa sĩ tự bỏ tiền cá nhân ra để tự gìn giữ những nét văn hóa của vùng Bắc Bộ”.
Cũng theo ông Tiến: “Sai phạm ở Việt phủ Thành Chương không thể bàn cãi, nhưng phá đi là một điều vô cùng đáng tiếc, ở đây tôi nghĩ nên cân nhắc. Việt phủ Thành Chương vi phạm, họa sĩ Thành Chương không được quyền quản lý thì Nhà nước có thể mua lại không? Theo tôi, ai sở hữu cũng được, nhưng Việt phủ nên có, nên tồn tại”.
Có nên "phạt cho tồn tại"?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích, theo quy định của pháp luật, những công trình sai phạm, bắt buộc phải phá bỏ phần sai phạm, sau đó tiến hành xử phạt và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đối với các công trình văn hóa, chính quyền không nên áp dụng biện pháp mang tính chất cứng nhắc. Vì đây là lỗi của rất nhiều năm trước. Ngay từ khi mới xây dựng, đáng nhẽ ra phải giải quyết ngay.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Việt phủ Thành Chương đã được xây từ nhiều năm trước, được quảng bá là địa điểm giới thiệu về văn hóa Việt Nam, phong cảnh Việt Nam, phục vụ nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu phá Việt phủ Thành Chương thì rất đáng tiếc.
"Tôi nghĩ trong trường hợp này nên chọn giải pháp không phá bỏ mà chính quyền có thể bàn lại với gia đình họa sĩ Thành Chương, để hợp pháp hóa công trình, đưa vào danh sách những địa chỉ văn hóa của huyện Sóc Sơn. Có thể khai thác như điểm du lịch công cộng, đảm bảo lợi ích của cộng đồng nhiều hơn", luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Khi được hỏi về việc giữ Việt phủ Thành Chương đồng nghĩa với việc thiếu công bằng với những công trình sai phạm khác, không những thế còn cổ súy tình trạng "phạt cho tồn tại", luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng: "Không có giải pháp nào toàn bích để có thể khắc phục sai lầm của chính quyền, cũng như của các cơ quan chức năng từ nhiều năm trước, mà phải xem từng trường hợp cụ thể, cái nào có lợi cho cộng đồng, cho Nhà nước, thì nên giữ".
"Như vậy cũng không có nghĩa là tôi đang cổ súy cho việc "phạt để tồn tại" mà đây xem như bài học cho chính quyền. Chúng ta sau vụ việc này, phải giám sát các công trình ngay ở giai đoạn đầu tiên. Đây là trường hợp đặc biệt Nhà nước cần xem xét, vì nó liên quan đến vấn đề văn hóa", vị luật sư này nêu quan điểm.
Vấn đề này, trả lời báo chí, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nhận định: “Ở đây cần có một cơ quan hay hội đồng xem xét, đánh giá và nếu xác định quý giá thật, phá dỡ sợ lãng phí... thì Nhà nước có thể điều đình với chủ nhân công trình mua lại với giá hợp lý để quản lý. Còn dứt khoát không thể để tài sản của Nhà nước, tức đất đai lại chui vào túi tư nhân được”.
Trước đó, ngày 5/12, trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp HĐND TP Hà Nội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội cũng khẳng định, Việt phủ Thành Chương đã thu hút du khách trong và ngoài nước trong nhiều năm qua đến tham quan.
Việt phủ Thành Chương cũng có sản phẩm mang tính truyền thống dân tộc và có thể bảo tồn được. Tuy nhiên, Việt phủ Thành Chương có giá trị ra sao, ở cấp độ nào thì cần phải có hội đồng đánh giá mới chính xác.
"Nếu nhìn cảm tính thì không nói được gì, vì vấn đề văn hóa rất khó" - Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội nhấn mạnh./.