Trong bài "Xử lý thế nào khi nhà đang thuê bị thế chấp ngân hàng" đăng trên báo Diễn Đàn doanh nghiệp, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Trong tuần qua, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề bên cho thuê nhà mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp vay tiền ngân hàng.
Trong tình huống này, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw phân tích:
Điều 146 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định về thế chấp nhà ở đang cho thuê như sau:
1. Chủ sở hữu nhà ở có quyền thế chấp nhà ở đang cho thuê nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê nhà ở biết trước về việc thế chấp. Bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng thuê nhà ở.
2. Trường hợp nhà ở đang thuê bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp nhà ở thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng, trừ trường hợp bên thuê nhà ở vi phạm các quy định tại khoản 2 Điều 132 của Luật này hoặc các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, trước hết cần xác định xem chủ nhà khi đem giấy tờ nhà đi thế chấp có thông báo với người thuê nhà hay không, nếu không có thì tức là chủ nhà đã vi phạm quy định của pháp luật và người thuê nhà có quyền đòi yêu cầu bồi thường về vấn đề này.
Căn cứ theo quy định trên, khi căn nhà bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp thì người thuê nhà vẫn được tiếp tục thuê cho đến hết hạn hợp đồng trừ trường hợp bên thuê nhà vi phạm các quy định về nghĩa vụ của bên thuê hoặc giữa các bên có thỏa thuận khác.
Trong trường hợp bên nhận thế chấp cưỡng ép yêu cầu bên thuê nhà ra khỏi nhà thì trước hết các bên có thể thỏa thuận lại với nhau, nếu không thỏa thuận được và bên nhận thế chấp tiếp tục gây khó dễ cho bên thuê nhà thì bên thuê nhà có thể khởi kiện bên thế chấp về việc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Điều 169. Quyền yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.
Nguồn: http://batdongsan.enternews.vn/tu-van/xu-ly-the-nao-khi-nha-dang-thue-bi-the-chap-ngan-hang-20180219223822.html