Xử lý như thế nào đối với người có hành vi quảng cáo, buôn bán sản phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài trả lời phỏng vấn kênh ANTV về vấn đề "Xử lý như thế nào đối với người có hành vi quảng cáo, buôn bán sản phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc?". Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Trên mạng xã hội tràn lan những clip quảng cáo thần thánh hoá, buôn bán về các loại kẹo, thực phẩm giảm cân không rõ xuất xứ, thành phần, đảm bảo vệ sinh và công dụng. Thậm chí khi xét nghiệm, có loại có chứa thành phần có các chất cấm. Vậy hành vi của những đối tượng này sẽ bi xử phạt như thế nào? Người dân cần lưu ý điều gì khi mua những sản phẩm này?

Trả lời:

Khoản 9, điều 8 Luật Quảng cáo 2012, quy định hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo bao gồm:

“Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

VIDEO: Phát hiện hơn 3.000 sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc - Báo Khánh Hòa điện tử
Xử lý nghiêm người có hành vi buôn bán sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc

Như vậy, những clip quảng cáo sai công dụng của các loại kẹo, thực phẩm giảm cân là hành vi vi phạm Luật quảng cáo.

Tùy vào mức độ của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Thứ nhất, xử phạt hành chính

Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng. Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo và buộc cải chính thông tin.

Thứ hai, xử lý hình sự

Hành vi quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 197 Bộ Luật hình sự 2015, cụ thể người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Để tránh các quảng cáo có nội dung sai lệch sự thật, lừa dối, người tiêu dùng chú ý chỉ sử dụng những sản phẩm đã được Cục Quản lý thị trưởng và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phê duyệt và khuyến cáo; mạnh dạn tố cáo những trường hợp quảng cáo lừa dối, sai sự thật.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan