Kế hoạch bán thỏa thuận 150 triệu cổ phiếu NVL của Novaland cùng phương án tái cấu trúc toàn bộ Tập đoàn của NovaGroup trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán tuần qua. Phía tập đoàn này cho biết đã đàm phán thành công với nhà đầu tư và các tổ chức có năng lực tài chính lớn tham gia nhận chuyển nhượng một phần vốn tại Novaland.
Dù giá cổ phiếu NVL trước áp lực bán tháo trên sàn hiện chỉ còn bằng 1/4 so với hồi đầu tháng 10 (quanh mức 20.000 đồng), song giao dịch này có thể giúp NovaGroup thu về hàng ngàn tỷ đồng, kịp thời bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Tất nhiên, bán đi tài sản có tính thanh khoản cao, NovaGroup phải chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu tại thành viên chủ lực này.
Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cuối tuần qua cũng đã họp và quyết định chuyển nhượng gần 89% vốn Công ty Địa ốc Hòa Bình - doanh nghiệp sở hữu dự án cao ốc tại 197 - Điện Biên Phủ, dự kiến thu về 285 tỷ đồng. Tương tự Novaland, doanh nghiệp bất động sản này có tỷ trọng vốn vay từ kênh trái phiếu lớn, giá trị vốn hóa rơi sâu do cổ phiếu bị bán tháo và cũng vừa chi 150 tỷ đồng mua lại trái phiếu.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhóm bất động sản, đang đối diện với khó khăn lớn trong huy động vốn từ kênh ngân hàng và trái phiếu, đồng thời, cũng phải đối mặt với áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn. Xoay xở nguồn vốn từ các kênh khác hay bán tài sản để đảm bảo thanh khoản đang là bài toán sống còn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư tại Talkshow Chọn Danh mục, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw cho biết, các hãng luật đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm vốn thông các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài hoặc qua khách hàng có vốn và muốn hợp tác đầu tư kinh doanh.
Từ góc nhìn đơn vị tư vấn luật, ông Hà cho biết, doanh nghiệp có thể đa dạng hóa nguồn vốn nếu có dự án thực sự tốt, bởi vốn trong xã hội vẫn còn rất nhiều. Các quỹ nước ngoài ở châu Âu hay Nhật Bản… cũng đang sẵn sàng thực hiện M&A với doanh nghiệp Việt Nam có dự án tốt đang thiếu vốn.
“Qua làm việc với một số doanh nghiệp, tôi thấy rằng, họ đang tăng cường các hoạt động M&A hay bán bớt các dự án không đủ vốn để làm...”, ông Hà cho hay.
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng dự án hay M&A cũng đòi hỏi thời gian, cần phải thực hiện nhiều thủ tục như xem hồ sơ pháp lý, sức khỏe doanh nghiệp, cũng như thực hiện một quá trình đàm phán trước khi tiến đến việc chốt thương vụ. Do vậy, chuẩn bị một bộ hồ sơ tốt, minh bạch về tài chính để bán dự án, doanh nghiệp và mức giá đặt bán đạt được sự đồng thuận với người mua lại điều mà vị luật sư này lưu ý.
Tái cấu trúc hoạt động
Bán tài sản là một phương án, nhưng có thể vẫn chưa đủ để giải quyết bài toán sống còn của doanh nghiệp. Đối với các công ty đang gặp khó khăn về dòng tiền, luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh giải pháp tái cấu trúc hoạt động, bằng việc thắt chặt chi tiêu thông qua cắt giảm bớt nhân sự, chi phí và tập trung vào những dự án cốt lõi để có dòng tiền trước.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam có cùng quan điểm về sự cần thiết trong việc tái cấu trúc hoạt động. Tuy nhiên, đại diện PwC nhấn mạnh sự cần thiết của việc giữ lại nhân sự tạo ra giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp cho mục tiêu phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.
Tại NovaGroup, việc bán cổ phiếu NVL cũng mới chỉ là một bước trong phương án tái cấu trúc. Trước đó, Novaland và Tập đoàn đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí nghiêm ngặt, cắt hoạt động không cốt lõi và đang làm việc với các đơn vị tư vấn hàng đầu như EY Việt Nam, KPMG… để có đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra giải pháp tái cấu trúc toàn diện.
Novaland cũng cho biết, Công ty đang tiếp tục nỗ lực triển khai các hoạt động bán hàng, thu xếp nguồn vốn, cắt giảm các khoản đầu tư chưa thật sự cần thiết để tối ưu chi phí, tập trung nguồn lực tối đa để hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản trung tâm TP.HCM.
Tại cuộc họp do Bộ Tài chính chủ trì tuần trước, tình trạng ách tắc thanh khoản của các doanh nghiệp đã được thảo luận bên cạnh các câu chuyện quanh diễn biến tiêu cực trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Cũng là một doanh nghiệp “nặng gánh” vay trái phiếu, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM khẳng định, bản thân bên vay là doanh nghiệp phải chủ động xoay xở.
Tự lực cứu mình, nhưng theo vị CEO này, điều doanh nghiệp mong muốn không phải hỗ trợ bằng tiền, mà là cơ chế giải quyết các hồ sơ pháp lý cho dự án, để nhà đầu tư dự án bất động sản có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm, bán với giá rẻ và thu hồi vốn để trả nợ trái phiếu.