Xe nâng người làm việc trên cao được phân loại vào loại xe nào khi đăng ký tài sản bảo đảm?

Nội dung bài viết

Câu hỏi:

Thưa Luật sư, hiện Công ty chúng tôi có 1 hợp đồng mua bán xe nâng người làm việc trên cao (xe không được chạy trên đường bộ, nếu di chuyển cần dùng xe kéo) cần đăng ký giao dịch đảm bảo tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản. Xin Luật sư tư vấn cho Công ty trường hợp này thì thông tin tài sản đảm bảo thuộc mục nào trong form đăng ký? Ngoài ra, có thể đăng ký quyền sở hữu tài sản và quyền đòi nợ trong đơn này không?

Trả lời:

  1. Thông tin tài sản đảm bảo trong Phiếu đăng ký:

Căn cứ tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn toàn xe nâng người QTKĐ: 18 - 2016/BLĐTBXH thuộc Phụ lục được ban hành kèm theo Thông tư 54/2016/TT-BLĐTBXH thì:

“3.1. Xe nâng người là phương tiện, thiết bị chuyên dùng để nâng, hạ, di chuyển người và dụng cụ làm việc ở trên cao.”

Theo đó, xe nâng người được phân loại vào loại phương tiện chuyên dùng trên đường bộ (Mục 5.1.ii của Phiếu đăng ký).

Lưu ý: theo kinh nghiệm của Chúng tôi, nếu xe nâng người có biển số (và có thường xuyên di chuyển trên đường bộ) thì Trung tâm đăng ký giao dịch có thể có quan điểm phân loại xe nâng này vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Mục 5.1.i của Phiếu đăng ký).

Tuy nhiên, như thông tin Công ty cung cấp thì loại xe nâng người này không được chạy trên đường bộ, nếu di chuyển phải dùng xe kéo, do đó xe này sẽ được phân loại vào phương tiện chuyên dùng (Mục 5.1.ii của Phiếu đăng ký)

  1. Về việc đăng ký trong đơn quyền sở hữu tài sản và quyền đòi nợ:

Theo quy định tại Điều 105.1. Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Theo quy định tại Điều 105.2 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản bao gồm bất động sản (ví dụ như đất đai, nhà cửa,...) và động sản (là những tài sản không phải là bất động sản như cái xe nâng, xe lu, quyền tài sản,...). Theo đó, cái xe nâng được xếp vào loại "vật", không phải là "quyền tài sản" theo quy định tại Điều 105.1 Bộ luật Dân sự 2015.

Bên cạnh đó, quyền sở hữu lại là một khái niệm hoàn toàn khác với quyền tài sản. Ví dụ: khi nói rằng Công ty có quyền sở hữu đối với một tài sản (là cái xe nâng, xe lu, quyền tài sản) thì có nghĩa rằng Công ty là "chủ" của cái tài sản đó. Câu "Quyền sở hữu đối với Hàng hóa chỉ được chuyển cho Bên Mua..." tại Hợp đồng có nghĩa là Công ty chính thức "bán" xe cho bên mua khi và chỉ khi bên mua trả tiền đầy đủ.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan