Xây dựng thương hiệu: Cần bền bì và liên tục quảng bá

Nội dung bài viết

Các doanh nghiệp (DN) đều hiểu rõ, nếu sản phẩm có được thương hiệu sẽ là một lợi thế cạnh tranh cho DN trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Thế nhưng, việc xây dựng thương hiệu phần lớn lại tập trung ở các công ty lớn, còn các DN nhỏ và vừa (NVV) chưa quan tâm đúng mức.

Để tạo dựng được thương hiệu không phải một sớm một chiều, đòi hỏi chủ DN bền bỉ và liên tục quảng bá. Đã có những cơ sở, DN nhỏ làm khá tốt việc này.

Kiên trì quảng bá

Cơ sở chăn nuôi gà lấy trứng Thanh Đức ở huyện Xuân Lộc là một ví dụ khá sinh động về việc tạo dựng thương hiệu trứng gà sạch ở Đồng Nai. Hơn 10 năm trước, cơ sở này đã cung cấp một lượng trứng gà lớn cho thị trường, nhưng dường như không mấy người biết đến. Đơn giản, Thanh Đức chỉ biết sản xuất ra trứng sau đó bán cho chợ đầu mối ở TP.Hồ Chí Minh là xong. Năm 2008, anh Lâm Thanh Đức, chủ cơ sở này bắt đầu tính toán đến việc sản xuất loại trứng gà sạch (loại trứng được kiểm soát chặt từ con giống đến thức ăn chăn nuôi) để cung cấp cho thị trường. Thế nhưng, trứng gà sạch của Thanh Đức ra thị trường gặp không mấy thuận lợi bởi người tiêu dùng chưa biết đến tên tuổi của cơ sở này. Cũng từ đây, anh Đức bắt đầu nghĩ đến việc quảng bá sản phẩm.

Vậy là các kỳ hội chợ trong tỉnh, anh đều sốt sắng tham gia, sau đó vươn ra ngoài tỉnh. Cứ kiên trì đeo đuổi cách tiếp cận khách hàng như vậy suốt nhiều năm liền đã đem đến cho anh Đức kết quả khả quan hơn. Sản phẩm của cơ sở không chỉ mở rộng được tại các điểm bán sỉ cũng như bán lẻ trong và ngoài tỉnh mà còn lọt được vào cả các hệ thống siêu thị Co.opMart. Đầu năm 2012, kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng sản phẩm trứng gà của Thanh Đức vẫn tiêu thụ khá tốt. Chủ cơ sở tiếp tục mở rộng đầu tư, xây dựng thêm trại chăn nuôi tự động với số vốn 8,5 tỷ đồng, lượng gà đẻ trứng tăng lên 140 ngàn con, gấp rưỡi năm 2011.

Cũng như Thanh Đức, DN tư nhân Thanh Nhân ở huyện Vĩnh Cửu suốt 5 năm liền mang sản phẩm bưởi và rượu bưởi Tân Triều đi giới thiệu từ Nam ra Bắc. Đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Thanh Nhân đã trụ vững ở nhiều thành phố lớn, như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Không chỉ vậy, một số công ty xuất khẩu đã tìm đến DN để đặt hàng.

Ngoài Cơ sở Thanh Đức và DN tư nhân Thanh Nhân, còn có một số DN khác cũng được xem là điển hình về việc quảng bá thương hiệu, như: Công ty Gia Nam, Hiệp Hòa Bình, Nutriworld… Tất cả đều có chung một điểm là khá kiên nhẫn trong việc giới thiệu sản phẩm và hình ảnh DN mình.

Còn thờ ơ với thương hiệu

Tại buổi hội thảo về “Chiến lược xây dựng và quản trị thương hiệu” do Sở Công thương phối hợp cùng Sở Khoa học và công nghệ tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Trung Thắng, Viện trưởng Viện Marketing và quản trị Việt Nam cho rằng, chính những DN NVV càng cần chú trọng trong việc xây dựng thương hiệu để sức cạnh tranh trên thị trường được tốt hơn. Thế nhưng trong thực tế, số lượng DN này quan tâm đến thương hiệu lại khá ít. “Phần lớn DN NVV đều đi lên từ hộ gia đình nên không có tầm nhìn dài hạn. Các chủ DN này chỉ tập trung đến việc làm sao cho sản phẩm của mình bán ra nhiều là được, trong khi đó thương hiệu là một tài sản có giá trị vô hình. Không ít chủ DN tới nay còn nhầm lẫn giữa thương hiệu và nhãn hiệu” - ông Thắng nói.

Xoay quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huệ, Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, cũng cho biết, các DN NVV chưa mấy mặn mà đến xây dựng thương hiệu. Điều này thấy rõ thông qua việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Bà Huệ đã dẫn chứng, hiện tại còn có hơn 70% DN NVV chưa đăng ký bảo hộ logo, nhãn hiệu hàng hóa. Một số DN không xin gia hạn khi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hết hiệu lực và từ bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu.

sblaw (Theo báo Đồng Nai)

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan