Xây dựng cơ chế niềm tin, công cụ xử lý rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty TNHH SB Law đã có những quan điểm về "Xây dựng cơ chế niềm tin, công cụ xử lý rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp" trên báo Hải quan Online. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Trên thị trường tiền tệ, bối cảnh “ngột ngạt” của room tăng trưởng tín dụng, lãi suất tăng lên và thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng… đang khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cần nhiều cải thiện.

Để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả của thị trường TPDN, lấy lại niềm tin trên thị trường sau những rủi ro phát sinh, sáng 13/9, chuyên trang điện tử Bizlive đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Mục tiêu phát triển thị trường TPDN: Niềm tin và trách nhiệm”.

Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”. Ảnh: H.Dịu
Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”. Ảnh: H.Dịu

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã nới chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng cho các ngân hàng nhưng room không nhiều do sức ép của lạm phát. Vì thế, nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế cũng đang hạn chế so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển nên thị trường đang kỳ vọng vào các van tín dụng khác cho nền kinh tế qua kênh chứng khoán, TPDN…

Tuy nhiên, theo ông Lộc, nguồn vốn qua kênh chứng khoán và TPDN mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn, còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ của Việt Nam.

Cũng liên quan đến sự hạn hẹp từ room tín dụng, TS. Trịnh Quang Anh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam đã chia sẻ, quy mô thị trường vốn Việt Nam vào khoảng 11,5 triệu tỷ đồng chia cho GDP 8 triệu tỷ đồng, được khoảng 144%, trong đó, thị trường TPDN chiếm khoảng 40% GDP. Tín dụng năm nay tăng khoảng 14% và hầu hết ngân hàng đều đang cạn room nên sẽ tạo cơ hội cho thị trường TPDN bởi doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng sẽ quay sang phát hành TPDN để huy động vốn. Một số ngân hàng cũng giới thiệu cho các nhà đầu tư mua TPDN của các doanh nghiệp phát hành qua các ngân hàng.

Do đó, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, câu chuyện TPDN là dài hạn. Trong giai đoạn phục hồi như hiện nay, kênh huy động vốn qua TPDN thực sự là kênh quan trọng với doanh nghiệp, nhưng điều "trớ trêu" là nhu cầu đi kèm rủi ro.

Nhận xét về những rủi ro trên thị trường TPDN, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Luật SBLAW cho biết, thời gian qua xảy ra một số vụ việc liên quan đến TPDN. Trong quá trình làm việc, ông Hà nhận thấy, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không hiểu nhiều về các vấn đề vĩ mô, bản chất TPDN. Họ quan niệm mua TPDN như gửi tiết kiệm. Lãi suất TPDN cao hơn ngân hàng thì họ “nhảy” vào, không quan tâm tài sản đảm bảo là gì hay các vấn đề liên quan.

Còn theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, tại Việt Nam, thị trường TPDN là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Tuy nhiên, con số tăng trưởng hiện đang rất lớn. Trong giai đoạn 2017-2021, quy mô thị trường TPDN tăng 24%, và đến 2021 là 56%.

"Cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại phải thận trọng, giống như khi mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau. Chúng ta cũng thấy vừa rồi xảy ra một số vụ việc, tuy nhiên, cách xử lý không gây ra sự xáo động quá lớn với thị trường. Lượng TPDN phát hành chỉ chậm lại trong tháng 4, tháng 5 và tới tháng 6 thì lượng phát hành đã tăng trở lại”, ông Tú Anh nói.

Điều quan trọng theo ông Tú Anh là khi tham gia thị trường, nhà đầu tư đều phải có niềm tin. Luật chơi" ở đây là nếu người ta làm sai thì phải trả giá. Bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. Cách cổ điển là phải xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro.

Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, thị trường TPDN là thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp để quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.

Ngoài ra, để tăng niềm tin, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với nhà đầu tư, với chính mình, với cán bộ nhân viên của mình, với sự phát triển của thị trường tài chính. Để xử lý được vấn đề này, doanh nghiệp cần sử dụng vốn hiệu quả hơn, thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, trả nợ đúng hạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có bộ phận quan hệ nhà đầu tư nhằm tương tác và đưa ra sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư, góp phần giúp việc sử dụng đồng vốn một cách minh bạch, hiệu quả hơn.

Đối với nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận TPDN cũng là một kênh đầu tư, hãy phân bổ nguồn vốn của mình một cách hợp lý. Nếu trực tiếp mua TPDN thì nhà đầu tư phải tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của nhà phát hành hoặc có thể tìm đến các nhà tư vấn chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư TPDN.

Mặt khác, một số chuyên gia cũng nêu quan điểm, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến, cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Bên cạnh đó, cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/xay-dung-co-che-niem-tin-cong-cu-xu-ly-rui-ro-cho-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-166937.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan