Xây dựng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Câu chuyện hội nhập về Xây dựng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Thưa luật sư, sự cần thiết phải có 1 Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập hiện nay là gì?

Trả lời:

Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, SHTT đóng vai trò ngày càng quan trọng. Đối với các doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế thị trường đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng.

Tại Việt Nam còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức rõ quyền SHTT có khả năng đem lại những lợi ích gì cho họ. Do đó, việc sử dụng quyền SHTT để bảo vệ cho hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tại các nước phát triển, xây dựng một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh là một đòi hỏi bức thiết do trình độ phát triển công nghệ rất cao kéo theo hệ quả là công nghệ bắt chước cũng rất tinh vi. Trên thực tế, các quốc gia phát triển có tiềm lực và đã dành nhiều tâm sức cũng như chi phí để nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đến lượt mình, công nghệ lại được áp dụng vào trong hoạt động sản xuất và ngay lập tức đem lại lợi ích kinh tế. Một phần quan trọng từ lợi ích kinh tế đó lại được đầu tư vào việc phát triển công nghệ. Sự luân chuyển đầu tư theo mô hình tuần hoàn này đã tạo nền tảng và bệ phóng cho sự phát triển của khoa học – kỹ thuật. Có thể nói trình độ khoa học – công nghệ phát triển đã, đang và tiếp tục là vũ khí mạnh nhất mà các nước phát triển có trong tay. Trình độ khoa học – công nghệ tiên tiến một mặt cho phép sản xuất số lượng lớn hàng hóa, mặt khác nó cũng dẫn đến sự ra đời của vô số nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền, kiểu dáng công nghiệp và bí mật thương mại. Chính vì vậy, thiết nghĩ phải xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT để đặt nền móng cho lĩnh vực SHTT trong thời gian tới.

2. Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ là gì, thưa luật sư?

Trả lời:

Chính phủ đã giao cho Bộ KHCN xây dựng “Chiến lược phát triển Sở hữu trí tuệ quốc gia”. Chiến lược này đề ra mục tiêu, cách thức, giải pháp để góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phục vụ cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói riêng.

Chiến lược Phát triển sở hữu trí tuệ quốc gia gồm 3 nội dung chính: Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát của hệ thống sở hữu trí tuệ; các mục tiêu chiến lược cụ thể đến năm 2030; các nhiệm vụ chiến lược.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 gồm: Đưa hệ thống sở hữu trí tuệ trở thành công cụ chủ lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhằm tạo ra tài sản trí tuệ, góp phần đáp ứng nhu cầu đối với sản phẩm mới và sáng tạo, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp.

Dự thảo Chiến lược đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị được gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan.

3. Vậy Chiến lược này sẽ gắn kết như thế nào với Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2020?

Trả lời:

Chiến lược phát triển Sở hữu trí tuệ quốc gia cũng hướng tới mục tiêu phát triển, duy trì việc tăng số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ như đã đặt ra trong Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 và tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng lượng đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế đến năm 2030. Mục tiêu này có thể được thực hiện thông qua việc cụ thể hóa một số định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN trong Chiến lược phát triển KH&CN.

4. Vậy Chiến lược SHTT sẽ hướng tới những giải pháp nào để không gia tăng độc quyền, cản trở đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, thưa luật sư?

Trả lời:

Trước tiên, theo tôi là phải hoàn thiện pháp luật để xác định hợp lý phạm vi của quyền SHTT, phạm vi quyền trong mối quan hệ giữa các loại quyền SHTT.

Thứ hai, phải rà soát, xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm áp dụng các quy định linh hoạt hoặc ưu đãi liên quan đến các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế về SHTT dành cho Việt Nam;

Thứ ba, cần xác định được những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để SHTT thực sự trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ lợi ích chính đáng của các chủ thể có tài sản trí tuệ.

5. Để góp phần thực hiện các mục tiêu mà luật sư vừa nói đến, luật sư có thể chia sẻ thông điệp, định hướng hoạt động của Cục SHTT cũng như Bộ KHCN liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ?

Trả lời:

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động SHTT. Cục SHTT cũng như Bộ KHCN sẽ tập trung kiện toàn cơ cấu tổ chức, tăng cường nhân lực cho Cục, trong đó đặc biệt ưu tiên cho khối thẩm định; sớm chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Chiến lược SHTT quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó Cục cũng chuẩn bị các công việc cần thiết để sửa đổi Luật SHTT, cụ thể là lập Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật SHTT.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan