Luật sư Nguyễn Thanh Hà, trong chương trình sở hữu trí tuệ của kênh VTVcab-InfoTV, đã trao đổi về vấn đề xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Phóng viên: Thưa ông, tổ chức cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm không?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật ghi nhận và khi được bảo hộ thì chủ sở hữu sẽ có các quyền sử dụng và định đoạt tương tự như tài sản thông thường. Điều này có nghĩa là mọi hành vi xâm phạm quyền đối với các đối tượng này của bất cứ chủ thể nào cũng sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Do đó, chủ sở hữu hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan công an, quản lý thị trường, thanh tra khoa học và công nghệ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Vậy ông có thể cho biết đơn yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm phải có nội dung như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý phải có ít nhất các nội dung sau:
- Thông tin về chủ thể quyền;
- Cơ quan được yêu cầu xử lý
- Thông tin về bên vi phạm
- Tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm,
- Tài liệu chứng cứ chứng minh quyền của chủ thể quyền;
Phóng viên: Các tài liệu chứng cứ hiện vật kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm phải gồm những gì thưa ông?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Các tài liệu kèm theo đơn có thể bao gồm các tài liệu sau đây:
- Đơn đề nghị;
- Bằng độc quyền hoăc Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc Hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp đã được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ tùy vào từng đối tượng;
- Kết luận giám định của cơ quan có chức năng giám định kết luận có hay không có yếu tố xâm phạm quyền;
- Thông tin của bên bị nghi ngờ vi phạm;
- Tài liệu, mẫu vật, hiện vật, hình ảnh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp