Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có những quan điểm về "Vực dậy niềm tin cho trái phiếu doanh nghiệp" trên báo Kinh tế đô thị. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Trái phiếu DN (TPDN) là một kênh huy động vốn vô cùng quan trọng, tuy nhiên để hàn gắn những khoảng trống của thị trường và phát triển một thị trường lành mạnh thì cần có một định chế độc lập, một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát chịu trách nhiệm.
Thị trường nhiều rủi ro
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, thị trường TPDN vừa nối dài thêm một tháng trầm lắng ở hoạt động phát hành mới. Cụ thể, trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng.
Từ sự bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng suốt từ tháng 4/2022 đến nay. Những rủi ro đầu tư và rủi ro pháp lý bộc lộ ở một số trường hợp sau giai đoạn phát triển nóng, cùng hướng siết chặt lại cơ chế pháp lý (đặc biệt ở việc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN) được cho là nguyên do.
Song trên thị trường tiền tệ, bối cảnh ngột ngạt của room tăng trưởng tín dụng kéo dài, lãi suất tăng lên và thậm chí có những thời điểm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng… cũng khiến hoạt động phát hành TPDN thêm bất lợi. Chính trong bối cảnh ngột ngạt room tín dụng, dòng vốn đầu tư công không phát huy được vai trò và giá trị dẫn kết, nhu cầu vốn của cộng đồng DN tăng cao, thì cầu nối thị trường TPDN lại phát sinh khoảng trống đột ngột kéo dài.
Trong khi đó, Chính phủ liên tiếp có các định hướng, đề án đặt mục tiêu phát triển mạnh thị trường vốn, trong đó có trọng tâm thị trường TPDN với mục tiêu đạt 20% GDP đến năm 2025.
Đánh giá về thị trường TPDN ở Việt Nam, tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường TPDN – Niềm tin và trách nhiệm" tổ chức ngày 13/9, TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế T.Ư cho biết: Tại Việt Nam, thị trường TPDN là một mảnh ghép phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khá nhanh.
Trong giai đoạn 2017 - 2021 quy mô thị trường TPDN tăng 24% và đến 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn, thể hiện nhu cầu của cả người phát hành và người mua đều rất lớn. “Tuy nhiên, cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại phải thận trọng. Giống như khi mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau” - ông Tú Anh nói.
Chia sẻ về những rủi ro của thị trường TPDN ở Việt Nam, TS Trương Văn Phước - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đặt ra nghi ngại: Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Nhưng ở Việt Nam hiện đã có có cơ quan nào quản lý chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa? Những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng.
Củng cố trách nhiệm, xây dựng niềm tin
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, thời gian qua có nhiều điều chúng ta chưa hài lòng về thị trường trái phiếu, trong đó có vấn đề về bộ máy giám sát, điều tiết thị trường. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu của Việt Nam không cần phải xóa đi lập lại. Vấn đề ở đây là cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Theo đó, cần phải xác định được rõ nên giám sát thị trường tài chính là thị trường hợp nhất hay chuyên biệt.
Theo TS Võ Trí Thành, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng. Bên cạnh đó, cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của DN, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Dưới góc độ luật sư, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law Nguyễn Thanh Hà cho rằng, trong giai đoạn tới phải xem xét cách xử lý, ứng xử của các đơn vị nếu lãnh đạo DN vướng lao lý. Bên cạnh đó, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân. Hiện nhà đầu tư cá nhân lo lắng không lấy lại được tiền. Một số chủ DN mong muốn bán các dự án để xử lý, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nhưng cơ chế xử lý hiện nay không được, tiền vào kho bạc, vào cơ quan điều tra phải đợi các phiên tòa, bản án của tòa.
“Tôi nghĩ vấn đề ở đây khía cạnh tư pháp trong thời gian tới Chính phủ cần nghiên cứu xử lý những trường hợp DN sắp tới đáo hạn không trả được tiền cho nhà đầu tư, cần có cơ chế xử lý, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Trong Nghị định 153 cần có cơ chế đảm bảo việc đó, khi mà niềm tin nhà đầu tư đi xuống sau những vụ việc vừa qua” - ông Hà đề xuất.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/vuc-day-niem-tin-cho-trai-phieu-doanh-nghiep.html