Vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy: Đang khẩn trương điều tra vụ việc

Nội dung bài viết

Trong bài “Vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy: Đang khẩn trương điều tra vụ việc” đăng trên báo An ninh Thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law. Dưới đây là nội dung chi tiết:

ANTD.VN -Vài ngày trước, một nữ sinh sinh 18 tuổi ở Thuận Thành, Bắc Ninh đã nhảy xuống sông Đuống tự tử. Theo thông tin ban đầu, trước đó, nạn nhân đã bị đối tượng Vũ Văn Hiếu (SN 1995) hiếp dâm.

Hành vi dâm ô – vì sao khó xử lý?

Hiện cơ quan CSĐT CAH Thuận Thành đã ra quyết định tạm giữ hình sự với Vũ Văn Hiếu về hành vi “Hiếp dâm” theo Điều 141 BLHS 2015. Sự việc một lần nữa khiến dư luận dậy sóng.

Bên cạnh sự thương xót đối với nạn nhân, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng nguyên nhân chính dẫn đến những vụ việc đau lòng trên là do không ít đối tượng có hành vi xâm hại tình dục vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Tại sao trong vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy tại chung cư Galaxy 9, TP HCM xảy ra cách đây nửa tháng, dù hình ảnh được camera ghi lại đã khá rõ ràng song kẻ có hành vi đồi bại vẫn chưa bị xử lý nghiêm minh?

Được biết, đến thời điểm hiện tại, Viện KSND TPHCM đã chỉ đạo Viện VKSND quận 4 phối hợp với CAQ 4 thụ lý điều tra vụ việc. Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cũng đã có văn bản gửi các cơ quan tiến hành tố tụng quận 4 đề nghị khởi tố vụ án đối với vụ bé gái bị dâm ô trong thang máy chung cư Galaxy 9.

ảnh 1Hình ảnh đối tượng sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư được camera an ninh ghi lại

Liên quan đến các vụ việc quấy rối tình dục, đặc biệt là dâm ô trẻ em diễn ra trong thời gian qua, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, BLHS 2015 đã quy định về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi này.

Điều 146 Bộ luật này quy định, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; Làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 7-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Dù quy định là vậy, song theo Luật sư Thanh Hà, thực tế, để xử lý đối tượng về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không hề đơn giản (trừ trường hợp bắt được quả tang hay thu giữ được các mẫu vật trên hiện trường). Nó đòi hỏi cơ quan chức năng phải có đầy đủ cơ sở pháp lý. Trong đó, chứng cứ vật chất để chứng minh phạm tội, còn lời khai của các đối tượng, nạn nhân chỉ là một trong những căn cứ để xem xét do nhận thức về pháp luật của các cháu còn hạn chế.

Để có cơ sở để xác định đối tượng đã có hành vi dâm ô trẻ em, CQĐT phải dựa vào những chứng cứ vật chất thu giữ được hiện trường như quần áo, mẫu vật ADN, chứng minh gây tổn thương bộ phận sinh dục, tổn thương trên người chứ không thể khởi tố vì áp lực dư luận.

Thời gian qua, có không ít vụ án dâm ô trẻ em bị đình chỉ do chứng cứ vật chất không đầy đủ như đối tượng gây án nhận tội, cháu bé được xác định là bị hại song chứng cứ vật chất thu giữ tại hiện trường gần như không có. Chưa nói đến việc lời khai của bị hại, bị can không ổn định, thường xuyên thay đổi trong các phiên tòa.

Bên cạnh đó, đã có không ít vụ việc bị “chìm xuồng” do những rào cản về tâm lý của cha mẹ nạn nhân. Họ lo ngại con em mình bị ảnh hưởng nên không trình báo ngay sau khi sự việc xảy ra hoặc khai báo không đúng sự thật dẫn đến việc sau thời gian dài, các chứng cứ tại hiện trường không còn, tổn thương của cháu bé cũng không còn rõ rệt.

Cần xóa “khoảng trống” pháp lý với tội phạm dâm ô trẻ em

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, đã đến lúc cần coi tất cả các hành vi tác động lên nạn nhân nhằm thoả mãn dục vọng của mình mà không phải hành vi giao cấu hay hành vi quan hệ tình dục khác thì đều là hành vi dâm ô. Đây là tội danh cấu thành hình thức, chỉ cần thực hiện hành vi là đã phạm tội, hậu quả thiệt hại chỉ là căn cứ để định khung hình phạt.

Tuy nhiên, hướng dẫn của TANDTC về hành vi dâm ô đã rất cũ, không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Trong Thông tư liên tịch số 01 ngày 1/1/1998 của TANDTC, VKSNDTC và Bộ Nội vụ có hướng dẫn: “Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người phạm tội sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác”.

Nếu theo Thông tư này thì phải chứng minh được người có hành vi dâm ô phải sờ mó, kích thích… mới có thể khởi tố, điều tra, truy tố. Văn bản này đã lỗi thời, chưa rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất. Bởi, cảm xúc thỏa mãn của những kẻ biến thái rất đa dạng, có thể chỉ là sờ mó vào một bộ phận nào đó trên cơ thể của nạn nhân chứ không nhất thiết phải là bộ phận sinh dục.

Hành vi dâm ô trẻ em có thể không để lại hậu quả về tính mạng và sức khỏe, thương tích trên cơ thể nạn nhân, song lại ảnh hưởng nặng nề về tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ sau này. Có em trước khi bị xâm hại khá hồn nhiên, vui vẻ nhưng sau đó bị bệnh trầm cảm, thậm chí có hành vi tự tử. Do đó, để phòng chống tội phạm tình dục đối với người chưa thành niên, cơ quan chức năng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm xóa bỏ khoảng trống pháp lý đối với loại tội phạm này – Luật sư Nguyễn Thanh Hà kiến nghị.

Nguồn: https://anninhthudo.vn/doi-song/vu-sam-so-be-gai-trong-thang-may-dang-khan-truong-dieu-tra-vu-viec/807298.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan