Trong bài "Vụ người mẹ sát hại con và cháu: Có cần phải trưng cầu giám định tâm thần đối với nghi phạm?" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, nếu có đủ chứng cứ chứng minh người phụ nữ này đã từng được gia đình đưa đến cơ sở y tế để điều trị bệnh tâm thần và trong khi thực hiện hành vi phạm tội bị ảnh hưởng của bệnh tâm thần, CQĐT sẽ ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với nghi phạm nhằm xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ là một trong các căn cứ xử lý nghi phạm theo quy định.
Trường hợp kết luận giám định xác định nghi phạm bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vụ án sẽ được đình chỉ. Đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Còn nếu kết luận giám định cho thấy nghi phạm chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo Điều 123 BLHS 2015.
Theo đó, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết 2 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Có tính chất côn đồ…thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm. Với trường hợp nghi phạm đã từng bị điều trị bệnh tâm thần có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử.
Những người thân của nghi phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của người phụ nữ bị trầm cảm đã thực hiện, trừ trường hợp họ là đồng phạm hoặc có hành vi cấu thành các tội phạm khác được quy định trong BLHS.
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa còn cho biết, trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội, nghi phạm có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự (tình trạng sức khỏe bình thường, tình trạng bệnh tâm thần đã ổn định có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi), nhưng sau khi tội phạm hoàn thành, hành vi phạm tội đã kết thúc, người này bị bệnh tái phát thì họ sẽ được áp dụng các biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó sẽ phải chấp hành hình phạt theo quy định.
Người xưa có câu “hổ dữ cũng không ăn thịt con” .Vậy mà thời gian qua đã xảy ra khá nhiều vụ việc đau lòng mẹ giết con đẻ. Trong những sự việc này, hầu hết những người mẹ đã ra tay trong khi đang mắc bệnh trầm cảm.
Liên quan đến dấu hiệu của loại bệnh này, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E phân tích, khi bị trầm cảm, người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, suy nhược, dễ bị kích thích, luôn phàn nàn, chán chường, rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là đối với bệnh nhân nữ đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ. Khi bệnh nặng, họ có thể đột ngột xuất hiện những cơn hoảng sợ, luôn thấy bất an nên tấn công người khác. Vì vậy, ở giai đoạn bệnh này, phụ nữ có thể gây nguy hiểm với con. Bện trầm cảm thường có các triệu chứng kéo dài dai dẳng hoặc trở thành tâm thần phân liệt nếu không được điều trị đúng cách.
“Nhằm hạn chế những hậu quả đau lòng có thể xảy ra tiếp theo do căn bệnh trầm cảm, các gia đình nên đặc biệt chú ý những người phụ nữ sống nội tâm, đặc biệt là vào thời điểm sau khi họ sinh con hoặc trải qua những mất mát, biến cố lớn trong cuộc đời. Do họ ít khi biểu lộ suy nghĩ của mình cho người khác nên sau một quá trình âm thầm chịu đựng, đến khi vượt ngưỡng, họ sẽ phát bệnh. Vì vậy nếu nhận thấy các biểu hiện khác lạ của bệnh nhân, người thân cần nhanh chóng đưa họ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời” – Bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu khuyến cáo.
Nguồn: https://m.anninhthudo.vn/phap-luat/vu-nguoi-me-sat-hai-con-va-chau-co-can-phai-trung-cau-giam-dinh-tam-than-doi-voi-nghi-pham/775906.antd