Trong bài "Vụ kiện 1,1 tỷ đồng tiền cước điện thoại: Ai đúng, ai sai?" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định, các bên đã có sự giải thích không giống nhau về nội dung hợp đồng dịch vụ mà các bên đã ký. Đây cũng là nguyên nhân của nhiều tranh chấp dân sự khác.
Không có chứng cứ chứng minh đã giải thích rõ
Cụ thể trong vụ việc trên, phía VNPT cho rằng trong hợp đồng đã ký, Viễn thông TP.HCM cung cấp cho bà Ngân sim điện thoại thuê bao trả sau số 0918.100.524. Ngoài việc gọi trong nước, bà Ngân còn được sử dụng sim điện thoại này để gọi chuyển vùng quốc tế không bị giới hạn bởi vị trí của máy gọi, vị trí máy nhận cuộc gọi, loại máy - luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích.
Tuy vậy, bà Ngân không đồng ý trả tiền và cho rằng phía VNPT đã giải thích hợp đồng không đúng nội dung đôi bên giao kết. Bà chỉ đăng ký sử dụng dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế trong trường hợp khi thuê bao ở nước ngoài, hoàn toàn không có việc gọi quốc tế mà không bị giới hạn bởi vị trí máy gọi, máy nhận như phía nguyên đơn trình bày. Hơn nữa, trong hợp đồng không có thỏa thuận về việc sử dụng dịch vụ gọi quốc tế. Trong khi đó, VNPT không có chứng cứ để chứng minh đã giải thích rõ ràng cho bà Ngân về những nội dung viết tắt trong hợp đồng.
Theo Điều 404 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, việc giải thích hợp đồng được quy định như sau: Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.
Cũng theo điều luật trên, các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng. Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 405 BLDS 2015 cũng quy định, trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
Như vậy, theo các quy định trên, bên cung cấp dịch vụ nên có trách nhiệm giải thích cho khách hàng hiểu rõ những vấn đề liên quan đến việc ký kết và sử dụng dịch vụ viễn thông. Trong hợp đồng cũng phải giải thích nội dung hợp đồng theo hướng có lợi cho khách hàng.
Người sử dụng dịch vụ cũng có thể bị phạt hành chính
Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, việc người sử dụng dịch vụ tự ý cho một người quen mang quốc tịch nước ngoài sử dụng sim điện thoại trên mà không có thông báo gì cho bên cung cấp dịch vụ biết thì cũng không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, cá nhân này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP) về vi phạm các quy định về giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao.
Cụ thể là: Phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Giả mạo, sử dụng giấy tờ của các cá nhân, tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Không thực hiện việc giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng số thuê bao với doanh nghiệp viễn thông khi chuyển quyền sử dụng số thuê bao theo quy định…”.
Được biết, do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên dự kiến việc tuyên án sẽ diễn ra vào ngày 21-8. Nếu một trong hai bên không đồng tình với nội dung trong bản án phúc thẩm có thể làm đơn kháng cáo. Từ vụ việc trên, thiết nghĩ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nên giải thích cụ thể, rõ ràng nội dung của hợp đồng để bên sử dụng viễn thông hiểu rõ, tránh xảy ra những tranh chấp phức tạp.
Nguồn: http://anninhthudo.vn/phap-luat/vu-kien-11-ty-dong-tien-cuoc-dien-thoai-ai-dung-ai-sai/738309.antd