Vụ học sinh bị gãy chân ở trường Tiểu học Nam Trung Yên: Lái xe có bị xử lý?

Nội dung bài viết

Liên quan đến sự việc học sinh bị gãy chân ở trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), mặc dù Hiệu trưởng nhà trường đã bị cách chức, song hiện vẫn có khá nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm pháp lý đối với lái xe taxi. Về vấn đề này, bài viết có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu – Công ty Luật SBLAW.

Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, để xác định trách nhiệm pháp lý của lái xe taxi cần làm rõ động cơ, mục đích và yếu tố lỗi của lái xe này. Theo thông tin ban đầu, việc lái xe điều khiển xe ô tô đi vào sân trường dù có thể là khu vực cấm song đã được sự cho phép của Hiệu trưởng – người có trách nhiệm cao nhất trong nhà trường đồng thời là hành khách (cũng là người vừa đi khám bệnh về) đang ngồi trên xe nên điều này có thể thông cảm được.

Ngoài ra, sau khi gây tai nạn, nếu lái xe có mong muốn xuống xe xem thương tích của em học sinh ra sao để từ đó có biện pháp khắc phục nhưng do Hiệu trưởng yêu cầu đi luôn nên ý định này không thực hiện được thì đây có thể xem là tình tiết giảm nhẹ trong việc xem xét trách nhiệm của lái xe này. Còn nếu trong trường hợp lái xe đã biết tình trạng thương tích của cháu bé nhưng cố tình bỏ đi coi như không biết thì có thể xem xét về trách nhiệm hình sự.

Tuy vậy, điều quan trọng là phải có kết luận giám định thương tích của nạn nhân để xem xét mức độ thương tích có đến mức khởi tố hình sự không. Nếu thương tích của học sinh này là do xe taxi va chạm gây ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, lái xe có thể bị xử lý về hành vi vô ý gây thương tích cho người khác hoặc hành vi vi phạm quy định về an toàn ở những nơi đông người.

Theo quy định của BLHS, người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng – 2 năm. Về mặt khách quan, đó là hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Đây là trường hợp người phạm tội có hành vi vi phạm quy tắc an toàn đối với sức khỏe của người khác. Hậu quả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Về mặt chủ quan, lỗi của người thực hiện hành vi là lỗi vô ý. Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

Còn theo điều 227 BLHS, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng – 5 năm. Trong trường hợp này, lỗi của người phạm tội cũng là lỗi vô ý, họ không mong muốn gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do quá cẩu thả.

Qua những thông tin trên các phương tiện truyền thông có thể thấy, người lái xe taxi đã có ý thức khắc phục hậu quả khi chủ động cung cấp số điện thoại của mình khi sự việc xảy ra để mọi người có thể liên lạc khi cần thiết. Song một số giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên đã không thông tin lại. Đây là tình tiết giảm nhẹ cho người lái xe trong trường hợp nếu họ bị pháp luật xử lý. Tuy vậy, theo tôi, trong vụ việc này, trách nhiệm chính thuộc về các cô giáo chứ không phải người lái xe” – Luật sư Nguyễn Thị Thu bày tỏ quan điểm.

Nguồn: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/vu-hoc-sinh-bi-gay-chan-o-truong-tieu-hoc-nam-trung-yen-lai-xe-co-bi-xu-ly/719005.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan