Trong bài "Vụ HH Phương Nga: Nhân chứng giấu mặt có ảnh hưởng tính khách quan?" đăng trên báo Dân Việt có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB LAW.
Để xác định nhân chứng có khai báo trung thực không thì không chỉ nghe nội dung khai báo mà còn phải xem thái độ biểu hiện trong lời khai báo… Do đó nếu để bà Mai Phương khai báo qua micro từ phòng cách ly thì việc đánh giá tính trung thực trong lời khai báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong phiên tòa xét xử hoa hậu Phương Nga, nhân chứng Mai Phương được HĐXX cho phép trả lời qua micro từ phòng cách ly. Xung quanh vấn đề này, có nhiều ý kiến khác nhau. Dân Việt đã cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW về vấn đề này.
Thưa luật sư, việc HĐXX cho phép bà Mai phương được trả lời từ phòng cách ly là dựa trên quy định nào của pháp luật ?
Khoản 1, Điều 209, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định “Hội đồng xét xử phải hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Trong trường hợp này, bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó”.
Ngoài bị cáo, những người tham gia tố tụng khác như bị hại, người liên quan, người làm chứng… Bộ luật Tố tụng Hình sự không có điều nào quy định việc cách ly.
Tuy nhiên theo quy định tại điểm a, Khoản 3, Điều 55 BLTTHS, người làm chứng có quyền “Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng…”.
Nhưng luật không quy định cụ thể việc “yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe” là bảo vệ thế nào. Bởi vậy, nếu bà Mai Phương thấy rằng việc lộ diện trước tòa có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của mình bà Mai Phương quyền yêu cầu được cách ly.
Yêu cầu của bà Phương có được HĐXX chấp thuận hay không theo tôi cũng tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu HĐXX thấy rằng nếu để bà Mai Phương lộ diện sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng; đồng thời việc bà này trả lời từ phòng cách ly vẫn đảm bảo tính khách quan thì HĐXX có thể chấp thận yêu cầu của bà Mai Phương và ngược lại.
Việc để bà Mai Phương khai báo qua micro từ phòng cách ly liệu có làm mất đi tính khách quan của vụ án?
- Tôi cũng rất băn khoăn về điều này, bởi lẽ bản chất thực sự của một câu nói, ngoài nội dung còn được thể hiện qua ngôn ngữ hình thể như ngữ điệu, sắc thái biểu hiện, ánh mắt, âm điệu…
Ví dụ cùng một câu “ăn cơm đi” nhưng nếu ngữ điệu ấm áp thì đó là lời mời chân thành, và ngược lại nếu cao giọng thì đó lại là sự gắt gỏng, giận dữ… Lời khai của người làm chứng phải được HĐXX, kiểm sát viên, luật sư đánh giá về mặt chứng cứ. Để chứng cứ được đánh giá một cách khách quan, lời khai của người làm chứng phải được xem xét trên cả hai phương diện nội dung và thái độ khai báo.
Điểm b, khoản 4, Điều 55, BLTTHS quy định, người làm chứng có nghĩa vụ: “Khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án”. Nhưng để xác định họ có khai báo trung thực không thì không chỉ nghe nội dung khai báo mà còn phải xem thái độ biểu hiện trong lời khai báo…
Do đó nếu để bà Mai Phương khai báo qua micro từ phòng cách ly thì việc đánh giá tính trung thực trong lời khai báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Trường hợp của bà Mai Phương trong vụ án nêu trên là một thực tiễn đặt ra trong quá trình xét xử. Theo tôi, sau thực tiễn này, ngành tòa án cần hướng dẫn, giải thích cụ thể trường hợp nào người làm chứng được cách ly để việc áp dụng được thống nhất.
Nguồn: http://m.danviet.vn/ban-doc/vu-hh-phuong-nga-nhan-chung-giau-mat-co-anh-huong-tinh-khach-quan-782906.html