Vụ cô dâu 61 tuổi, chú rể 26 tuổi: Tự ý đưa thông tin của người khác lên mạng xã hội có thể phải ngồi tù

Nội dung bài viết

Trong bài "Vụ cô dâu 61 tuổi, chú rể 26 tuổi: Tự ý đưa thông tin của người khác lên mạng xã hội có thể phải ngồi tù" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:

ANTD.VN -Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin Giấy đăng ký hết hôn của cô dâu 61 tuổi (SN 1957) và chú rể 26 tuổi (SN 1992) bị cán bộ tư pháp phường tự ý đưa lên mạng khi chưa được chủ nhân cho phép. Do vậy cô dâu đã làm đơn tố cáo hành vi này…

“Việc một người lớn tuổi lấy một người kém tuổi làm vợ hoặc chồng khi 2 người tự nguyện, đảm bảo các yêu cầu về Luật Hôn nhân và gia đình, đủ điều kiện tiến tới hôn nhân là điều mà pháp luật Việt Nam không cấm nên việc để lộ thông tin cá nhân của vợ chồng họ lên mạng xã hội cho dù với bất cứ lý do nào là vi phạm pháp luật” – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Điều 38 BLDS 2015 về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã quy định, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

ảnh 1Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội

Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người nào phát tán các thông tin về đời tư cá nhân của người khác mà không được sự đồng ý của họ hoặc pháp luật không cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/ND-CP với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Quy định này dùng để xử phạt đối với một trong các hành vi như thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi: Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này; Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông…nhằm thu lợi bất chính từ 50-dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100-dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

"Trường hợp nếu người thực hiện hành vi là công chức hoặc nhân viên hợp đồng của cơ quan còn phải chịu hình thức xử lý kỷ luật nội bộ theo luật công chức hoặc theo quy định của cơ quan, tổ chức" - Luật sư Nguyễn Thị Thu cho biết.

Nguồn: https://anninhthudo.vn/phap-luat/vu-co-dau-61-tuoi-chu-re-26-tuoi-tu-y-dua-thong-tin-cua-nguoi-khac-len-mang-xa-hoi-co-the-phai-ngoi-tu/774220.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan