Để sự việc ổ nhóm ma túy hoạt động trong suốt một thời gian dài ngay tại một bệnh viện Trung ương, chính là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng buông lỏng quản lý đối với các bệnh viện nói chung.
Tối 31/3, dư luận cả nước rúng động trước thông tin một bệnh nhân cầm đầu đường dây ma túy ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Thậm chí, bệnh nhân này còn cải tạo phòng bệnh thành sàn “bay, lắc” và đưa gái dịch vụ từ ngoài vào tham gia “cuộc vui” cùng cán bộ của bệnh viện. Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Xuân Quý (trú tại Thanh Trì, Hà Nội).
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 11/2018 Nguyễn Xuân Quý bắt đầu điều trị tại BV Tâm thần Trung ương 1. Trong thời gian ở đây, Quý tạo được mối quan hệ thân thiết với một số cán bộ y tế để được tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu. Trong thời gian này, Quý nhiều lần ra khỏi bệnh viện. Đầu tháng 1/2021, hắn bị Công an quận Hai Bà Trưng bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng do có bệnh án tâm thần nên được trả về bệnh viện để điều trị. Đến tháng 2/2021, đối tượng cải tạo căn buồng điều trị bệnh thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laser cất giấu ma tuý và sử dụng trái phép ma túy. Tạo được “vỏ bọc” an toàn, Quý tổ chức mua bán ma tuý ngay tại bệnh viện. Thời điểm bị bắt, khám xét nơi ở, cơ quan chức năng thu giữ 6,1kg ma tuý tổng hợp.
Điều trị tâm thần nhưng lại rất lưu manh
Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, để sửa chữa cải tạo phòng điều trị thành phòng cách âm, có đèn màu, dàn loa chuyên dụng làm “động bay lắc”, Quý phải có thời gian lắp đặt sửa chữa công phu, rất dễ phát hiện. Nếu không có sự cho phép của người có thẩm quyền, của cán bộ nhân viên trực tiếp điều trị thì không thể làm được. Thế nhưng, trả lời phóng viên, ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 một mực khẳng định không hề biết gì về đường dây ma túy xảy ra tại bệnh viện này: “Tôi không biết gì cả. Nếu mà tôi biết thì đã không xảy ra sự việc này”.
Câu trả lời của Giám đốc Bệnh viện, khiến dư luận có quyền nghi ngờ. Bởi, nếu nói như vậy thì vai trò của người đứng đầu bệnh viện ở đâu, trách nhiệm kiểm tra, giám sát như thế nào? Còn theo cách giải thích của bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Lưu, Trưởng khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm Thần Trung ương 1 (bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Quý) thì âm nhạc là một trong một số liệu pháp điều trị cho bệnh nhân. Lợi dụng kẽ hở này, Quý đã tổ chức "bay lắc", mở tiệc ma tuý trong phòng bệnh mà không ai hay biết. Cũng theo lời giải thích của vị bác sỹ này, bình thường đối tượng Quý là người rất "khéo miệng", lễ phép chào hỏi các bác sĩ, điều dưỡng nên không mất lòng ai. Tuy nhiên, nếu không chiều theo ý của Quý thì đối tượng này sẽ đe doạ. Việc Quý không bị phát hiện khi tàng trữ số lượng ma tuý lớn tại phòng bệnh, bác sĩ này cho rằng, đối tượng khá tinh vi khi cất giấu trong "hộp chè, hộp thuốc, trần nhà".
"Có nhiều người vào thăm Quý, họ giả làm người nhà bệnh nhân rồi mua ma tuý nên chúng tôi không hề hay biết”, nữ bác sĩ chia sẻ.
Cách giải thích của lãnh đạo Bệnh viện không thuyết phục
Từng là một nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa Đông Hưng, Thái Bình nay đã nghỉ hưu, Lương y Nguyễn Đình Cự cho rằng, cách giải thích của bệnh viện không thuyết phục. Bởi, trong quá trình thăm khám cho bệnh nhận, bác sỹ phải đi các buồng bệnh hằng ngày và kiểm tra. Đặc biệt, theo tài liệu cung cấp, đối tượng Quý còn có chìa khóa để tự do đi lại khu vực không ai được vào. Như vậy, chắc chắc phải có người cho Quý mẫu chìa khóa. Lương y Nguyễn Đình Cự cho rằng, đây là một sự việc đáng tiếc và lãnh đạo bệnh viện này phải chịu trách nhiệm.
“Lỗ hổng này còn từ bảo vệ. Nếu người bảo vệ chuyên nghiệp thì họ sẽ phát hiện ra ngay. Nhưng trong hoàn cảnh này, có thể do nhóm đối tượng ngổ ngáo, đe dọa ngược lại cả bảo vệ nên buộc lòng họ phải cho qua”- Lương y Nguyễn Đình Cự chia sẻ thêm.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SB Law) cho rằng, trong vụ việc lần này, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong bệnh viện. Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét việc nghi can lấy ma túy từ đâu để bán, ai là người cung cấp ma túy cho nghi can? Và tại sao ở trong bệnh viện tâm thần, nơi mà đáng ra phải được kiểm soát nghiêm ngặt 24/24 lại để xảy ra tình trạng người ngoài mang ma túy vào cho bệnh nhân và các bệnh nhân buôn bán ma túy với nhau và bán cả cho những người ở ngoài bệnh viện, giả danh là người nhà chăm sóc bệnh nhân.
Theo Luật sư Hà, qua vụ việc này có thể thấy, trách nhiệm rõ nhất là những lãnh đạo Bệnh viện trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của bệnh viện; trách nhiệm của các cán bộ, nhân viên y tế điều trị cho những bệnh nhân vi phạm.
Luật sư Hà cũng đưa ra giả thuyết, nếu kết luận của cơ quan điều tra cho thấy, đúng là những người làm công tác quản lý và khám chữa bệnh vi phạm quy định pháp luật cũng như quy định của bệnh viện thì trước tiên, họ sẽ bị xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế của Bệnh viện tâm thần Trung ương I với các chế tài như: bị kỷ luật, cách chức, sa thải. Mặt khác, nếu xét thấy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Che giấu tội phạm” được quy định tại Điều 389; hoặc tội "Không tố giác tội phạm” được quy định tại Điều 390.
Để sự việc ổ nhóm ma túy hoạt động trong suốt một thời gian dài ngay tại một bệnh viện Tâm thần lớn trong lòng Hà Nội, luật sư Hà khẳng định, sự việc này chính là một hồi chuông cảnh báo cho tình trạng buông lỏng quản lý đối với các bệnh nhân tâm thần tại các bệnh viện tâm thần nói riêng và cơ sở khám chữa bệnh nói chung. Hành vi của các đối tượng này cũng làm dấy lên lo ngại về việc có thể đã xảy ra hiện tượng làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần, biến bệnh viện tâm thần thành nơi thoát tội. Chính vì vậy, các đối tượng liên quan cần phải được điều tra làm rõ, trừng trị nghiêm minh, đúng người, đúng tội để làm tiền lệ cho sau này.
Trước khi dính lùm xùm này, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từng gây rúng động khi làm giả 78 bệnh án, trong đó có 41 bệnh án của các tội phạm hình sự cộm cán. Qua điều tra xác định, những người này, phải chi khoảng 85 triệu đồng để có được bệnh án tâm thần, nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Trước vụ việc gây chấn động dư luận nêu trên, sáng 1/4, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã họp khẩn và ngay sau đó, Bộ Y tế đã có đoàn công tác gồm lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ tới làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây không chỉ là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn là những vi phạm nghiêm trọng quy trình quản lý bệnh viện và các quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh. Trên cơ sở kết quả làm việc, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định 1770 tạm đình chỉ công tác đối với Giám đốc Bệnh viện Vương Văn Tịnh.
Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tạm đình chỉ công tác chuyên môn để hợp tác với cơ quan điều tra đối với các cá nhân liên quan, bao gồm: BSCKHII Đỗ Thị Lưu, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền; Tạ Thị Thêm, Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý./.
Nguồn: https://vov.vn/phap-luat/vu-benh-nhan-tam-than-cam-dau-duong-day-ma-tuy-lo-hong-quan-ly-847664.vov