Vụ án Tân Hoàng Minh: Bộ Công an kiến nghị bịt kín lỗ hổng kinh doanh trái phiếu, xử lý trách nhiệm cán bộ

Nội dung bài viết

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đơn vị, tổ chức có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra đề nghị truy tố Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 14 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời, kiến nghị hàng loạt nội dung nhằm bịt kín những “lỗ hổng” trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Dưới đây là chi tiết bài phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAWMời quý khách theo dõi.

Câu hỏi 1: Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?

Trả lời:

Ngày 30/9/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tập đoàn Tân Hoàng Minh. Có thể thấy, vụ án đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các nhà đầu tư và tác động tiêu cực thị trường tài chính; gây ra tác động xã hội và nền kinh tế rất lớn, bao gồm câu chuyện mất việc làm, ảnh hưởng đến danh tiếng của các tổ chức và cá nhân liên quan. Nó cũng làm tăng sự lo ngại về sự ảnh hưởng của các vụ án tương tự đối với nền kinh tế và xã hội nói chung.

Vụ việc cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý liên quan như việc huy động tiền từ trái phiếu, doanh nghiệp sử dụng như thế nào là hợp pháp? Thực tế điều hành doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có quy chuẩn cao về tài chính. Vấn đề xử lý hình sự những vụ việc về huy động trái phiếu ảnh hưởng ra sao đến thị trường tài chính và chứng khoán? Vấn đề trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp và người đứng đầu doanh nghiệp khi họ đã khắc phục hết hậu quả.

Vụ án cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý và giám sát tài chính trong việc ngăn chặn và phát hiện các hành vi gian lận tài chính. Đồng thời, cần cải thiện quy trình kiểm tra và giám sát đối với các giao dịch tài chính và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo tính minh bạch và an toàn cho người đầu tư.

Câu hỏi 2: Chiếu theo góc độ Luật pháp, nguyên nhân nào dẫn đến điều này, thưa ông?

Trả lời:

Trước tiên, pháp luật chứng khoán còn thiếu quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra, giám sát đảm bảo các tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đã có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu như: Phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho nhà đầu tư; không cung cấp thông tin sai sự thật, không cung cấp thông tin dễ gây hiểu lầm về trái phiếu cho nhà đầu tư; không được chào mời, hỗ trợ nhà đầu tư không thuộc đối tượng nhà đầu tư mua TPDN phát hành riêng lẻ…Tuy nhiên, có thể thấy rằng vẫn còn thiếu những quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị này, đảm bảo họ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật.

Thứ hai, thực tế cho thấy thị trường trái phiếu hiện nay chào bán riêng lẻ chiếm tỷ trọng chủ yếu, hiện tượng lách luật chào bán không đúng đối tượng được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng và một số văn bản ban hành lâu nay đã phải tiến hành sửa đổi như Nghị định số 156/2020/NĐ-CP nhưng vẫn chưa được kết quả như mong muốn. Các quy định hiện hành tạo điều kiện rộng mở hơn đối với TPDN phát hành riêng lẻ, nhưng lại chặt chẽ hơn đối với TPDN phát hành ra công chúng. Để chào bán TPDN ra công chúng, doanh nghiệp phải được cơ quan quản lý là UBCKNN cấp phép chào bán, bắt buộc phải có lãi, đối tượng mua là mọi nhà đầu tư, trước khi chào bán trái phiếu phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành theo Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP từ 01/01/2023. Đồng thời việc phát hành phải được bảo đảm thanh toán một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi trái phiếu bằng một hoặc một số phương thức quy định và tài sản bảo đảm phải được định giá theo quy định pháp luật.

Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, các quy định có phần thông thoáng hơn khi cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành trái phiếu như đối với TPDN phát hành ra công chúng, ngoại trừ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng tại thị trường trong nước, không yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có lãi. Hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ sẽ chỉ được thực hiện với các nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược, các giao dịch thử cấp sẽ chỉ được tiến hành giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp với nhau trừ trường hợp trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền khi đối với các trái phiếu này đối tượng giao dịch được mở rộng thêm nhà đầu tư chiến lược, các đợt chào bán phải được tư vấn bởi công ty chứng khoán.

Chính những quy định này ẩn chứa những lỗ hổng này đã tạo điều kiện cho những nhà đầu tư và doanh nghiệp lợi dụng để thực hiện những hành vi phi pháp của mình.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh siết chặt tín dụng vào những lĩnh vực như bất động sản, các doanh nghiệp coi phát hành trái phiếu riêng lẻ là một kênh huy động vốn rẻ và họ cũng không lường trước được là việc huy động lại tương đối dễ dàng, khi có dòng tiền, doanh nghiệp cũng dễ dàng chi tiêu sai mục đích, dấn tới sai phạm.

Vụ án Tân Hoàng Minh: Bộ Công an kiến nghị bịt kín lỗ hổng kinh doanh trái phiếu, xử lý trách nhiệm cán bộ
Vụ án Tân Hoàng Minh: Bộ Công an kiến nghị bịt kín lỗ hổng kinh doanh trái phiếu, xử lý trách nhiệm cán bộ

Câu hỏi 3: Đâu là những lỗ hổng trong quy định về trái phiếu doanh nghiệp, thưa ông?

Trả lời:

Đầu tiên, các quy định pháp luật về trái phiếu hiện cũng đang vướng phải tình trạng chạy theo thị trường. Cụ thể các quy định thành văn không thể theo kịp sự vận động, biến đổi của thị trường. Quy định, thủ tục rườm rà, mang tính hình thức, tạo ra rào cản khiến doanh nghiệp không đáp ứng. Nhưng lại có những quy định mang tính chất mở cửa quá thông thoáng, dẫn đến xuất hiện những loại trái phiếu “ba không”: Không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán. Lỗ hổng này giúp doanh nghiệp thực hiện các hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các trái chủ, gây mất niềm tin của người dân đối với thị trường trái phiếu và công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Hiện nay, cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về tính độc lập của doanh nghiệp phát hành, đơn vị tư vấn thẩm định, đơn vị phát hành, đơn vị bảo lãnh…Nhiều trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng được bán ra, không ít trong số đó là trái phiếu “ba không” được các doanh nghiệp khi bán trái phiếu quảng cáo mập mờ là phát hành thông qua ngân hàng lớn, công ty chứng khoán khiến khách hàng lầm tưởng là ngân hàng “đứng sau lưng”. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe và cũng chưa có quy định cụ thể về việc xác định thiệt hại của nhà đầu tư và trình tự, thủ tục để nhà đầu tư chủ động thực hiện các biện pháp thu hồi được vốn của mình.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán 2019 cũng như các quy định hiện hành liên quan, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Quy định này là để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm. Bởi, việc mua trái phiếu riêng lẻ nhưng không đủ năng lực đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; không phân tích được rủi ro; không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu (nhầm tưởng là được công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại bảo lãnh, trong khi các tổ chức này chỉ cung cấp và hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu)... sẽ gây ra rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế đã xuất hiện hiện hiện tượng “lách luật” để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cụ thể là bằng cách nào đó, một số đơn vị đã có động thái để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ chuẩn (tài sản - tiền) theo quy định để tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Chính vì vậy, không ít nhà đầu tư thua thiệt, gặp rủi ro mà không biết kêu ai.

Câu hỏi 4: Thời gian qua, Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ và phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về động thái này? (Tác động như thế nào tới thị trường, đã đủ để khôi phục niềm tin chưa, thưa ông?)

Trả lời:

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế để tháo gỡ những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đây được ví như “liều thuốc bổ trợ lực” kịp thời trong bối cảnh thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn như hiện nay.

Nghị định này đã giải quyết các vấn đề pháp lý cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, để họ có hành lang pháp lý cơ cấu lại nợ, hoàn thành các sản phẩm trên nền tảng đàm phán, đồng thuận của nhà đầu tư trái phiếu. Bởi đến hạn trái phiếu mà không thanh toán được thì rất nguy hiểm, thậm chí đẩy doanh nghiệp vào con đường cùng là phá sản nên việc cho phép quy đổi nợ sang tài sản khác vừa giúp doanh nghiệp trả được nợ, vừa duy trì được tính thanh khoản nếu quy đổi bằng sản phẩm, như bất động sản chẳng hạn.

Tuy nhiên để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư thì từng chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.  Trong đó, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Câu hỏi 5: Với cán bộ thực thi, ông đánh giá như thế nào về cán bộ thực thi trong vấn đề này? Trách nhiệm của các cán bộ ra sao, thưa ông?

Trả lời:

Để xảy ra vấn đề nêu trên thì một phần lỗi thuộc về những cán bộ thực thi quản lý trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp; các đơn vị, cán bộ quản lý chưa sát sao trong quá trình kiểm tra; rà soát nên các đối tượng lợi dụng điều này để thực hiện hành vi trục lợi cá nhân. Không những vậy, còn có hiện tượng, doanh nghiệp phát hành và các đơn vị tư vấn; đơn vị bảo lãnh lại có mối liên kết, ràng buộc cực kỳ mật thiết với nhau nên có hành vi tiếp tay; bao che cho các doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần rà soát lại, bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan, hoàn thiện quy trình tổ chức và giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đảm bảo trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch công khai, minh bạch; đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kiểm tra, xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan.

Bên cạnh đó, cũng xử lý nghiêm về hành chính đối với những hành vi sai phạm các công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên có sai phạm đã kết luận trong vụ án nêu trên. Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chủ động, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên.

Câu hỏi 6: Các nước trên thế giới xử lý vấn đề này như thế nào, Việt Nam có thể học hỏi gì từ họ, thưa ông?

Trả lời:

Tại các thị trường như Mỹ và Trung Quốc, nơi có thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hơn, các yếu tố thể chế và chính sách đã đóng vai trò rất quan trọng. Kinh nghiệm ở các quốc gia này cho thấy, một tập hợp các yếu tố phải cùng tồn tại để thị trường trái phiếu doanh nghiệp hình thành và phát triển. Trong đó, cấu trúc thể chế đóng vai trò quan trọng trong tốc độ phát triển khác nhau của thị trường nợ doanh nghiệp ở các quốc gia có thị trường trưởng thành này. Cần lưu ý các khía cạnh cốt lõi như đo điểm chuẩn, quản trị công ty và công bố thông tin, định giá rủi ro tín dụng, tính sẵn có của hệ thống giao dịch đáng tin cậy và sự phát triển của các công cụ phòng ngừa rủi ro là cơ bản để cải thiện chiều rộng và chiều sâu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối non trẻ, vì vậy học tập kinh nghiệm từ những thị trường trưởng thành hơn là điều cần thiết, theo đó một số lưu ý có thể học hỏi như:

Thứ nhất, ban hành các quy định chặt chẽ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Một khuôn khổ các quy định đáng tin cậy là rất quan trọng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Các quy định trên thị trường chứng khoán thường được đưa ra bởi một hoặc nhiều mục tiêu sau: (i) đối xử công bằng và bình đẳng với các nhà đầu tư (bảo vệ nhà đầu tư); (ii) tính toàn vẹn của thị trường; và (iii) ngăn chặn rủi ro hệ thống.  Kinh nghiệm từ các nền kinh tế tiên tiến cho thấy rằng các chính sách điều tiết đã đóng một vai trò trong sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bằng cách khuyến khích hoặc kìm hãm sự phát triển của các thị trường này.

Thứ hai, tăng cường quản trị công ty: Những cải tiến trong quản trị công ty và tính minh bạch bảo vệ các nhà đầu tư khuyến khích sự phát triển của thị trường tài chính. Quản trị công ty tốt hơn có thể được thực hiện thông qua một số cơ chế - chẳng hạn như cải thiện luật, tăng cường quy định và giám sát, và thực thi mạnh mẽ hơn các hợp đồng tư nhân. Chắc chắn rằng các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận thông tin kịp thời liên quan đến giá cả và quy mô của các giao dịch trong quá khứ. Do đó, cần yêu cầu minh bạch sau phát hành theo từng giai đoạn đối với các giao dịch trái phiếu.

Thứ ba, tăng cường xếp hạng tín dụng: Độ tin cậy của quy trình đánh giá rủi ro tín dụng rất quan trọng đối với việc xác định giá và tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, do sự bất cân xứng thông tin giữa các nhà đầu tư và công ty phát hành trái phiếu. Xếp hạng tín dụng đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều thị trường trưởng thành và đặc biệt là ở Bắc Mỹ, trong một thời gian rất dài.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Câu hỏi 7: Cuối cùng, theo ông làm thế nào để khắc phục được những bất cập trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thưa ông?

Trả lời:

Điều quan trọng nhất trong quá trình phát hành trái phiếu là đảm bảo tính minh bạch và thông tin chính xác. Yêu cầu các nhà đầu tư phải cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình tài chính của doanh nghiệp và kế hoạch sử dụng vốn từ việc phát hành trái phiếu. Bởi thông tin sai lệch hoặc thiếu trung thực có thể gây thiệt hại cho danh tiếng của doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư và  dẫn đến những hậu quả pháp lý.

Thứ hai, trước khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp cần tiến hành một đánh giá kỹ lưỡng về rủi ro. Điều này bao gồm việc xem xét khả năng trả lãi và trả vốn gốc, tình hình tài chính hiện tại, và dự đoán các yếu tố tác động đến năng suất và lợi nhuận trong tương lai. Đánh giá rủi ro sẽ giúp xác định mức lãi suất hấp dẫn cho trái phiếu.

Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cơ chế giám sát, báo cáo của các tổ chức trung gian khi cung cấp dịch vụ, đảm bảo họ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật. Đồng thời nghiên cứu ban hành các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động và trách nhiệm pháp lý của một số tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ phát hành TPDN như tổ chức xếp hạng tín nhiệm;  tổ chức định giá trái phiếu; tổ chức tư vấn pháp lý độc lập… để tăng tính chuyên nghiệp cho thị trường TPDN.

Thứ tư, tăng chế tài xử phạt để tạo được sự răn đe cho các đối tượng: hiện nay chế tài đối với những hành vi vi phạm trong phát hành TPDN đã được pháp luật quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dù thời gian gần đây chế tài đối với hành vi vi phạm trong phát hành TPDN đã tăng nặng hơn trước, nhưng các biện pháp xử phạt còn yếu và thiếu, chưa đủ sức răn đe. Giá trị thu lợi từ các vi phạm pháp luật cao hơn rất nhiều so với mức xử phạt. Vì thế, có tình trạng nhiều DN cố tình vi phạm và sẵn sàng chấp nhận nộp phạt. Chính vì vậy cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm theo hướng tăng nặng chế tài hành chính, bổ sung chế tài hình sự để có cơ sở áp dụng các biện pháp mạnh tay, xử lý hình sự đối với các tổ chức phát hành cũng như tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ phát hành TPDN cố tình vi phạm để răn đe.

Tham khảo thêm >>> Tư vấn đầu tư

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan