VTV4 - Phỏng vấn về vấn đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng

Nội dung bài viết

Nhận lời mời của Ban biên tập kênh VTV4 đài truyền hình Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã giải đáp về các quy định pháp luật Việt Nam nhằm áp dụng xử phạt tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Xin cho biết quy định pháp luật Việt Nam nhằm áp dụng xử phạt tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thế nào?

Trả lời:

Thực tế thời gian qua cho thấy, đã xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp,... Đặc biệt, trong thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân sử dụng nhiều ứng dụng trên không gian mạng để giao tiếp, học tập, kinh doanh, mua sắm, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Tùy vào mức độ của hành vi, mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xử phạt hành chính:

Điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định mức xử phạt như sau đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác:

““1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này”.

Theo đó, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 01 triệu đến 02 triệu, đồng thời, hình thức xử phạt bổ sung trong trường hợp này sẽ là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.

Thứ hai, xử lý hình sự:

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;...”.

Mức hình phạt cao nhất đối với đối tượng vi phạm là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2. Đối với các đối tượng lừa đảo là người Việt đang ở nước ngoài hoặc người nước ngoài thì sẽ xử lý thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Bộ Luật Hình sự năm 2015: “Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, đối với công dân Việt Nam hiện đang cư trú, làm việc tại nước ngoài mà có hành vi phạm tội được Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam điều chỉnh, thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.

Đối với trường hợp người phạm tội là người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Do đó, khi người nước ngoài thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam trên không gian mạng thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự.

3. Xin cho biết những khó khăn khi xác định tội danh và áp dụng các chế tài xử phạt cho hành vi lừa đảo qua mạng để chiếm đoạt tài sản?

Trả lời:

Do sự phát triển của mạng viễn thông, mạng internet nên sẽ có rất nhiều đối tượng thông qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber, … để thực hiện các hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra thường gặp khó khăn trong việc xác định nhân thân, địa chỉ thật của người thực hiện hành vi phạm tội vì họ thường sử dụng thông tin giả, mặt khác đây là các nhà mạng ở nước ngoài, nên khi phát hiện quá trình thu thập, đánh giá, xử lý chứng cứ điện tử, việc chuyển hóa chứng cứ điện tử, giám định chứng cứ điện tử và việc sử dụng chứng cứ điện tử trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử rất khó khăn.

Bên cạnh đó, trong hệ thống pháp luật hiện nay, cụ thể là Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định việc kiểm tra, đánh giá, bảo quản, niêm phong... đối với chứng cứ điện tử được thực hiện theo quy định chung hiện hành. Tuy nhiên, chứng cứ điện tử có những đặc điểm khác biệt với các chứng cứ truyền thống nên cần phải có những quy định chặt chẽ của pháp luật về quy trình thu giữ và phục hồi đối với loại chứng cứ này nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ của dữ liệu cũng như quy định về trách nhiệm của các cá nhân trong việc sử dụng, bảo quản loại chứng cứ đặc thù này, đặc biệt là đối với việc “thu thập bí mật dữ liệu điện tử” còn liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên cơ quan điều tra áp dụng quy định của BLTTHS về vấn đề này mang tính tùy nghi, tương tự.

Hơn nữa, người phạm tội sử dụng công nghệ cao là những người có trình độ về sử dụng công nghệ thông tin, các phần mềm, ứng dụng điện tử và máy tính, mạng viễn thông trong khi đó đội ngũ cán bộ tư pháp hiện nay chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu hoặc đáp ứng được về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc xử lý tội phạm.

4. Xin cho biết một số kinh nghiệm giúp nạn nhân xử lý trong các vụ việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng?

Trả lời:

Để phòng tránh các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, trước tiên khi mua hàng qua mạng, người dân cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Đồng thời, không nhấp vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà không muốn nhận hoặc đến từ người gửi không xác định. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm, ứng dụng tin cậy. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan