Sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản đã sôi động trở lại trong năm 2015, thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào lĩnh vực này, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót hàng trăm triệu USD vào bất động sản Việt Nam.
Từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam liên tiếp chứng kiến các thương vụ hợp tác, rót vốn trị giá hàng trăm triệu USD giữa doanh nghiệp địa ốc trong nước và các đối tác nước ngoài.
Cụ thể, ngày 26/7, Quỹ đầu tư Creed Group và Công ty An Gia Investment ký kết hợp tác với việc nhà đầu tư đến từ Nhật Bản rót 200 triệu USD mua lại cổ phần, hợp tác đầu tư và cho vay lãi suất ưu đãi để An Gia Investment mua lại các dự án bất động sản. Trước đó, quỹ này cũng rót 100 triệu USD để cùng CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) phát triển 3 dự án bất động sản.
Cùng lúc, thông tin từ Công ty Khang Điền (KDH) cho biết, VinaCapital, cùng Dragon Capital cam kết sẽ tiếp tục “bơm” vốn vào KDH và thêm các quỹ Mutual Fund Elite, Vietnam Holding, SAM… cũng tham gia vào KDH.
"Thị trường bất động sản Việt Nam đã qua thời kỳ suy thoái, bước vào giai đoạn phát triển và niềm tin thị trường đã trở lại, giá bất động sản tại TP. HCM đã tăng lên đáng kể. Đây là yếu tố để thúc đẩy nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường" - ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Vietnam.
Cũng trong tháng 7/2015, Gamuda Land thuộc Tập đoàn Gamuda (Malaysia) đã bỏ ra 1.400 tỷ đồng để mua lại phần vốn góp từ các đối tác nội là Sacomreal và CTCP Đầu tư Thành Công để độc quyền đầu tư Dự án Celadon City (TP. HCM).
Trước đó không lâu, Quỹ đầu tư Warburg Pincus (Mỹ) cũng đã đầu tư tiếp 100 triệu USD vào Công ty Vincom Retail (thuộc Tập đoàn VinGroup), nâng mức đầu tư vào Vincom Retail lên 300 triệu USD để phát triển chuỗi trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam mang thương hiệu Vincom.
Hồi đầu năm 2015, Nam Long cũng đã hợp tác với Quỹ đầu tư IFC thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới. Cũng đầu năm 2015, Nam Long công bố chính thức sự tham gia của 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad mua lại toàn bộ Dự án Flora Anh Đào với tổng chi phí phát triển dự án khoảng 500 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Novaland đã phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho các đối tác chiến lược, trong đó đáng chú ý là có sự tham gia của 2 quỹ đầu tư ngoại là VinaCapital (15 triệu USD) và Dragon Capital.
Theo đánh giá của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, đơn vị chuyên tư vấn thủ tục đầu tư vào Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài, tuy kinh tế Việt Nam những năm qua có lúc thăng, lúc trầm, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có sự tăng trưởng và có sức hút lớn với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, với dân số hơn 90 triệu người, cơ cấu dân số trẻ và quá trình đô thị hoá nhanh, Việt Nam vẫn là một quốc gia tiềm năng cho việc phát triển các dự án bất động sản và dịch vụ bất động sản.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Vietnam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đã qua thời kỳ suy thoái, bước vào giai đoạn phát triển và niềm tin thị trường đã trở lại, giá bất động sản tại TP. HCM đã tăng lên đáng kể. Đây là yếu tố để thúc đẩy nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường.
“Bất động sản tại các thị trường mới nổi luôn được coi là kênh đầu tư có rủi ro cao, nhưng lợi nhuận lại khá lớn. Các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào các dự án liên doanh trong các thị trường này, nơi họ sẽ kết hợp với nhà đầu tư trong nước có nhu cầu hỗ trợ vốn, để tìm chỗ đứng tại thị trường mà tiềm năng tăng trưởng trong tương lai thường là ở cấp số nhân, khi nền kinh tế các thị trường này tăng nhanh.
Hơn nữa, các thị trường mới nổi có những yếu tố tăng trưởng tiềm ẩn, bao gồm gia tăng dân số và tỷ lệ đô thị hóa nhanh, những yếu tố này cho phép các nhà đầu tư/phát triển dự án bất động sản có thể tận dụng”, ông Stephen nói và cho biết, một yếu tố quan trọng cần nhớ khi đầu tư vào bất động sản ở các thị trường mới nổi là chu kỳ bất động sản có xu hướng ngắn hơn so với các thị trường phát triển.