Trong bài "Vô số rủi ro từ việc thế chấp sổ bảo hiểm xã hội để vay tiền" đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Thế chấp sổ BHXH để vay tiền nhưng lại báo mất
Điều 18 Luật BHXH 2014 quy định, người lao động có các quyền: Tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này; Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội; Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo hình thức chi trả trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền…
Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thế chấp tài sản cũng nêu rõ, thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp. Như vậy, việc thế chấp tài sản hợp pháp là khi tài sản đó thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp. Do đó, việc người lao động thế chấp sổ BHXH để vay tiền không trái so với quy định của pháp luật – Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết.
Tuy vậy, việc làm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thông thường, sau khi thế chấp sổ BHXH để vay tiền, không ít lao động đã đến cơ quan BHXH báo mất sổ rồi đề nghị cấp lại do thủ tục khá đơn giản. Người lao động chỉ cần có đơn trình báo mất sổ BHXH, đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH có xác nhận của chính quyền địa phương, giấy xác nhận quá trình đóng BHXH, giấy xác nhận chưa được giải quyết trợ cấp một lần của cơ quan BHXH, tờ khai cấp sổ…
Sau đó, người lao động nộp những giấy tờ trên cho cơ quan BHXH, trong thời hạn giải quyết theo quy định, cơ quan BHXH sẽ cấp lại sổ BHXH cho NLĐ. Đến hạn, họ có thể cầm sổ BHXH này để đi nhận trợ cấp BHXH một lần với đầy đủ giấy tờ thật và người thật. Đến khi đó, bên nhận thế chấp sổ BHXH có nguy cơ mất trắng, bởi sổ BHXH họ giữ trong tay không còn giá trị.
Mặc dù vậy, song do số tiền người lao động vay được từ việc thế chấp sổ BHXH thường thấp hơn so với mức trợ cấp BHXH một lần từ sổ này đến hàng chục triệu đồng nên bên cho vay vẫn tiến hành giao dịch dù biết mình đang “cầm dao đằng lưỡi”.
Nguy cơ phát sinh tranh chấp phức tạp
Về những nguy cơ xảy ra rủi ro đối với bên nhận thế chấp sổ BHXH, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, BLDS 2015 đã quy định rõ, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác …
Đối chiếu với quy định trên, khi người lao động không có khả năng thanh toán và người lao động cũng chấp nhận không nhận lại sổ BHXH (do họ đã khai mất sổ và làm lại sổ khác) thì bên cho vay (ngân hàng) sẽ khó có thể thu hồi được số tiền đã cho vay. Trong trường hợp này, bên cho vay cần có công văn gửi doanh nghiệp nơi người lao động làm việc hoặc cơ quan BHXH đề nghị phối hợp trong việc cấp và chi trả chế độ cho người lao động đã đem sổ BHXH thế chấp để vay tiền.
“Có thể nói, việc người lao động gian dối trong việc khai mất sổ để làm lại sẽ khiến cơ quan BHXH gặp rất nhiều rắc rối trong công tác quản lý, chi trả BHXH như mất thời gian cấp lại sổ cho người lao động, nhưng sau đó ngân hàng lại gửi công văn, cơ quan bảo hiểm lại phải điều chỉnh lại’ – Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định.
Đối với những người lao động đã mang sổ BHXH đi thế chấp để vay tiền, khi họ không có khả năng thanh toán sẽ không thể lấy lại được sổ BHXH nên quyền lợi không được bảo đảm. Ngoài ra, nếu gian dối trong việc khai mất sổ để làm lại sổ mới mà bị cơ quan BHXH phát hiện, người lao động sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP. Theo đó, người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng nếu có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp.
NLĐ tham gia BHXH tuân theo nguyên tắc có đóng, có hưởng. Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian NLĐ tham gia BHXH. Nghĩa là, chỉ người nào tham gia BHXH thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan. Mặt khác, việc nhận BHXH một lần có thể được NLĐ ủy quyền cho người khác, song người được ủy quyền cũng chưa chắc nhận được số tiền này do phải tiến hành các thủ tục khác liên quan…
Do đó, nhằm hạn chế những tranh chấp phát sinh sau này liên quan đến việc thế chấp sổ BHXH, các doanh nghiệp, cơ, quan BHXH cần tăng cường tuyên truyền đến người lao động về những hậu quả pháp lý khi mang sổ BHXH đi thế chấp, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân cố tình khai báo gian dối.