Việc cho và nhận nuôi con nuôi thể hiện tính nhân đạo, đảm bảo cho người con nuôi được chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình. Song, tình trạng nuôi con nuôi thực tế (chưa đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền) đã và đang diễn ra khá phổ biến, gây khó khăn cho các bên khi mâu thuẫn phát sinh.
Tranh chấp tài sản… khi mẹ nuôi đột tử
Thông thường, nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việt Nam đã có những quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý về vấn đề nuôi con nuôi nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người được nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, do người nhận nuôi con nuôi chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký nuôi con nuôi với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hay vì một lý do tế nhị nào đó mà họ không muốn để lộ thân phận của người con nuôi nên đã bỏ qua thủ tục này. Chỉ đến khi các tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp giữa cha mẹ nuôi và con nuôi (nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền thừa kế) thì việc giải quyết không đơn giản.
Gần đây, vụ việc liên quan đến vấn đề chia tài sản thừa kế liên quan đến người con nuôi đã gây xôn xao trong dư luận. Sự việc xảy ra vào tháng 5- 2012, do chết đột ngột nên bà P, trú tại quận Tân Phú - TP.HCM đã để lại khối tài sản khổng lồ lên đến 1.000 tỉ đồng khi chưa kịp lập di chúc. Điều đáng nói là bà P không có con ruột, chỉ có một người con nuôi 22 tuổi mang họ bà. Người con nuôi này được bà P xin nuôi ngay khi còn ở bệnh viện Hùng Vương và được pháp luật thừa nhận. Ngay khi tổ chức lập di chúc bằng khối tài sản trước sự chứng kiến của anh chị em bà P, người con nuôi của bà P, cùng các cơ quan chức năng, tài sản của bà P gần như không thể định lượng nổi. Ngoài người con nuôi, bà P còn có 6 anh chị em. Do khối tài sản quá lớn mà bà P để lại nên hầu hết anh chị em trong gia đình bà P đều muốn gửi vào ngân hàng mà không để cho người con nuôi nắm giữ, làm nảy sinh tranh chấp giữa người con nuôi và anh chị em của người đã qua đời.
Hiện kết luận về vụ việc trên vẫn đang chờ tòa án xét xử nhưng trong trường hợp những người anh chị em của bà P chứng minh được tài sản có phần vốn góp, đóng góp công sức để tạo nên khối tài sản thì sẽ được xem xét. Còn theo quy định của pháp luật, việc chia thừa kế được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc cũng có thể được áp dụng đối với những người thừa kế được quy định theo thứ tự hàng thừa kế, trong đó hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết,…
Cũng bởi lý do bà P đã đăng ký nhận nuôi con nuôi với cơ quan có thẩm quyền nên việc giải quyết tranh chấp này thuận lợi hơn nhiều. Tuy nhiên, không phải đối tượng nhận nuôi con nuôi nào cũng suy nghĩ thấu đáo và hiểu hết ý nghĩa của việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế như trường hợp của bà P. Bởi trong suy nghĩ của họ, đây là một thủ tục có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Chính vì vậy, không ít vụ việc xét xử liên quan đến vấn đề phân chia tài sản thừa kế vẫn diễn ra khá phổ biến. Nhiều trường hợp khi bố mẹ nuôi mất nhưng con nuôi không được thừa hưởng bất cứ tài sản nào với lý do “thân phận” của họ không được pháp luật công nhận và bảo hộ.
Sợ con nuôi không còn tình cảm
Cũng liên quan đến việc nhận nuôi con nuôi, do “hiếm muộn” nên đầu năm 1981 vợ chồng ông ông P.Đ.T, ở phường Đức Giang, quận Long Biên đã nhận nuôi một bé gái 5 tuổi. Kể từ thời điểm đó, người con nuôi này được chuyển hộ khẩu về sống chung vợ chồng ông T, nhưng chưa làm thủ tục đăng ký con nuôi theo quy định. “Từ trước đến nay vợ chồng tôi chưa bao giờ hé răng nửa lời về thân phận của con bé vì sợ cháu bị tổn thương. Gần đây, khi biết có quy định mới, tôi định làm đơn đăng ký tình trạng nuôi con nuôi thực tế tại UBND phường, nhưng chúng tôi chỉ lo khi biết được mình không phải là con đẻ, cô con gái nuôi sẽ không còn thương yêu, quý trọng vợ chồng tôi như trước nữa…”, ông T cho biết.
Tương tự, chị N.T.H, nhân viên truyền thông một công ty máy tính ở quận Đống Đa do không có ý định kết hôn nên đã nhận một đứa trẻ làm con nuôi. Tại thời điểm đăng ký và xác lập quan hệ nuôi con nuôi chị H đang trong tình trạng độc thân, do đó khi đăng ký khai sinh cho con nuôi, bản chính giấy khai sinh chỉ có tên mẹ, không ghi tên cha. Tuy nhiên, 1 năm sau, chị H lại đồng ý làm vợ 1 người đàn ông. Nhưng khi chị ra phường yêu cầu ghi tên người chồng mới cưới vào giấy khai sinh của con nuôi để sau này không ảnh hưởng đến tình cảm cha-mẹ-con thì lại nhận được câu trả lời là chồng chị phải tiến hành làm các thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi như chị đã làm. Do thủ tục hơi rườm rà nên vợ chồng chị H vẫn đang trì hoãn, chưa tiến hành đăng ký.
Ngày 2-10-2012, UBND Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch số 4334/QĐ-UBND về việc triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định của Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Điều này, giúp đối tượng nhận nuôi con nuôi, người con nuôi, cha mẹ đẻ của người con nuôi thực hiện và bảo vệ đầy đủ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của họ trước pháp luật. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật S&B thì hiện nay Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi, thẩm quyền giải quyết việc nuôi con nuôi, quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi và cha mẹ đẻ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc nuôi con nuôi còn gặp không ít vướng mắc. Nhiều quy định hướng dẫn còn chưa cụ thể, bao quát gây khó khăn cho người nhận nuôi con nuôi, người con nuôi, cha mẹ đẻ người con nuôi.
Luật Nuôi con nuôi và những văn bản quy định về vấn đề này thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với các chủ thể, đảm bảo cho mọi trẻ em đều có quyền có gia đình, bố, mẹ. Tuy nhiên, để quản lý việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế hiệu quả hơn nữa, cơ quan chức năng nên sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chặt chẽ cụ thể để các địa phương áp dụng thống nhất hiệu quả nhằm đảm bảo tính nhân đạo, nghiêm minh của pháp luật, đáp ứng nhu cầu đăng ký nuôi con nuôi của công dân.
(sblaw theo anninhthudo.vn)