Trong bài "Việc lập vi bằng khi mua nhà ở có giá trị pháp lý gì?" đăng trên báo Đầu tư bất động sản, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Trả lời:
Theo quy định của Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi một số điều Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng của văn phòng Thừa phát lại, thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại.
Do đó, Văn phòng Thừa phát lại có thể lập vi bằng với sự kiện mua bán căn nhà của bạn. Giá trị pháp lý của vi bằng do Thừa phát lại lập được quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Cụ thể:
Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án.
Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc lập vi bằng đối với việc mua bán căn nhà được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục do Nhà nước quy định sẽ xác nhận về việc có giao kết về việc mua bán giữa 2 bên tại thời điểm lập và được coi là chứng cứ tại Tòa án nếu có tranh chấp xảy ra.
Tuy nhiên, khi làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì hai bên vẫn phải lập hợp đồng chuyển nhượng có công chứng của một tổ chức công chứng tại địa phương theo quy định bắt buộc tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014.
Cụ thể, Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định, trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng,
trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw
Báo Đầu tư Bất động sản