Việc dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab có vi phạm quy định?

Nội dung bài viết

Trong bài “Việc dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab có vi phạm quy định?” đăng trên báo An ninh thủ đô, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Giám đốc công ty luật SB LAW chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Thời gian qua tại một số Thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM xuất hiện tình trạng nhiều lái xe taxi đồng loạt dán khẩu hiệu phản đối kế hoạch thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT, đề nghị dừng Uber, Grab trên xe khiến không ít hành khách đi taxi băn khoăn và đặt câu hỏi, việc làm này có phải hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh?

Uber, Grab có thể khởi kiện?

Khẩu hiệu dán trên xe taxi truyền thống phản đối Uber, Grab có nội dung khá đa dạng, như “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”, “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì có quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”, “Chúng tôi phản đối kế hoạch thí điểm quyết định 24 của Bộ GTVT có nhiều sai phạm. Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông”…Những khẩu hiệu trên được dán trên xe taxi lưu thông bình thường nên đã xuất hiện trên hầu khắp các tuyến đường của Hà Nội, chẳng khác nào một hình thức phản đối tập thể, có tác động khá mạnh tới dư luận xã hội.

Được biết, cách đây không lâu, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu ra một số điểm tồn tại của chương trình thí điểm Quyết định 24 của Bộ GTVT như: Bộ GTVT cố tình không giới hạn số lượng phương tiện tham gia thí điểm; Bộ GTVT không quản lý logo nhận diện của phương tiện tham gia thí điểm, vì đã giao cho các công ty sở hữu phần mềm như Uber, Grab tự tạo và cấp phát logo cho phương tiện.

Do đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017; phải quy định quản lý Uber, Grab như quản lý taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030. Hiệp hội này cũng đề xuất cấp hạn ngạch đối với xe taxi và các phương tiện kinh doanh như Uber, Grab; Ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo, biểu trưng để dễ nhận biết đối với xe thí điểm….

Về tình trạng trên, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, doanh nghiệp taxi có quyền bày tỏ quan điểm của mình đối Uber, Grab nhưng phải đúng quy định. Việc dán khẩu hiệu phản đối trên xe của một số doanh nghiệp taxi có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, đi ngược lại xu thế của thị trường, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp. Do đó, Uber, Grab hoàn toàn có thể khởi kiện đến cơ quan quản lý cạnh tranh như Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương nếu nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi hành vi này.

Nghiêm cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Điều 43 – Luật Cạnh tranh đã nghiêm cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Đến thời điểm hiện tại, chưa có cơ quan chức năng nào khẳng định Uber, Grab trốn thuế hay làm thất thu thuế. Do đó, nếu tổ chức cá nhân nào đưa ra thông tin này đã vi phạm quy định trên. có thể bị cảnh cáo, phạt tiền. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Ngoài các hình thức xử phạt trên, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác.

Bên cạnh đó, điều 31 Nghị định 71/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định, gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác sẽ bị phạt từ 10-50 triệu đồng.

Trước sự phản đối của nhiều hành khách và cộng đồng mạng, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Hà Nội, nhiều lái xe taxi đã tự gỡ bỏ các khẩu hiệu, decal phản đối Uber, Grab trên xe. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh xem xét, làm rõ việc làm trên của một số hãng taxi có vi phạm Luật Cạnh tranh không. Mặc dù vậy, để lập lại trật tự đối với loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải này, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng kiểm tra, rà soát, sớm ban hành quy định nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các hãng taxi trên địa bàn Thành phố, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

5/5 (1 Review)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan