Lý giải về trường hợp Luật Đất đai chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh năm 2021, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc này được thực hiện theo đề nghị của Bộ Tài nguyên Môi trường. Chính phủ hiện đang triển khai nhiều công việc liên quan, dự kiến sẽ trình Quốc hội dự án luật này vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sửa đổi Luật Đất đai là một nhiệm vụ trọng điểm và rất khó trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.
Dự án sửa đổi Luật Đất đai đã được thảo luận tại các kỳ họp của Quốc hội khóa trước, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc Chính phủ nhiều lần đề nghị lùi thời điểm trình dự án.
Cuối tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có phần đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp, cũng như những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai.
Phó Thủ tướng chỉ đạo thông qua kế hoạch và tiến độ xây dựng Luật Đất đai sửa đổi, xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa trình dự án luật sửa đổi này để Quốc hội xem xét, thông qua.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg về danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Đối với Luật Đất đai 2013, sẽ có 6 điểm trong phạm vi cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới được Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì xây dựng.
Thời gian trình Chính phủ báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là tháng 11/2021. Thời gian Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2022 (đã đưa vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).
Theo Quyết định 889/QĐ-TTg thì chỉ có 6 vấn đề được đề cập trong danh mục quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. |
Khi Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành đã có nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc một số vấn đề “nóng” liên quan đến Luật Đất đai năm 2013 được các doanh nghiệp phản ánh nhiều trong thời gian qua như các quy định về giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án, quy định về bảng và khung, hệ số điều chỉnh giá đất, quy định về xác định hình thức, quyền sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản kiểu mới (condotel, officetel, shophouse), một số nội dung liên quan đến chuyển đất công, đất quốc phòng, an ninh vào thị trường… vẫn chưa có trong các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong Phụ lục I kèm theo Quyết định số 889/QĐ-TTg.
Theo nhận định của các chuyên gia thì dự án sửa đổi Luật đất đai 2013 là một dự án lớn, sửa đổi một đạo Luật quan trọng bậc nhất, quyết định và có ảnh hưởng đến hàng loạt các Luật liên quan khác.
Chia sẻ với PV, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai có tầm ảnh hưởng quá lớn nên phải thận trọng, kỹ lưỡng, tránh việc áp dụng vào thực tế lại tiếp tục có thêm những thiếu sót như hiện tại. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án luật.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi lần này cần tập trung khắc phục việc Luật Đất đai 2013 không đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật, từ Hiến pháp đến hàng loạt bộ luật. Hệ thống pháp luật ban hành sau năm 2013 đều có những điều mà Luật Đất đai không quy định hoặc có quy định nhưng không đồng bộ.
Nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/vi-sao-chinh-phu-hoan-trinh-du-an-sua-doi-luat-dat-dai-2013-614254.html