S&B Law trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
Phóng viên: Thưa ông trong vụ việc chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa dấu hiệu vi phạm pháp luật của Nicotex Thanh Thái là rất rõ ràng, người dân bị thiệt hại, theo thống kê đã có hàng nghìn người mắc các bệnh hiểm nghèo khó qua khỏi. Vậy người dân có quyền khởi kiện công ty Thanh Thái ra tòa hay không?Luật sư Nguyễn Thanh Hà:
Việc khởi kiện đồi bồi thường thiệt hại là một vụ án kiện dân sự. Vì vậy, có thể khẳng định bất kỳ ai cũng có quyền khởi kiện vụ án dân sự ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, nếu người dân muốn khởi kiện vụ việc này, cần lưu ý mấy vấn đề sau:
Về nguyên tắc bất cứ ai cho rằng hành vi của Nicotex Thanh Thái đã gây ra thiệt hại cho mình (về sức khỏe, tài sản) đều có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, việc khởi kiện có thành công hay không sẽ tùy thuộc vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được để chứng minh các vấn đề sau:
+ Nicotex Thanh Thái có hành vi gây thiệt hại cho người khởi kiện;
+ Nicotex Thanh Thái có lỗi trong việc thực hiện hành vi gây thiệt hại;
+ Có thiệt hại thực tế xảy ra;
+ Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại thực tế xảy ra
Trong vụ việc này, nếu người dân tiến hành khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được thiệt hại đã xảy ra với mình và thiệt hại này là hậu của của hành vi chôn thuốc trừ sâu trái pháp luật của Nicotex Thanh Thái.Phóng viên: Gần đây nhấy thì người dân tiếp tục đưa ra chứng cứ khẳng định việc Nicotex Thanh Thái tự ý đưa máy móc, thiết bị ra vào Công ty và vận chuyển hàng hóa ra khỏi Công ty sau khi đã có lệnh đình chỉ hoạt động 1 tháng của Công an tỉnh Thanh Hóa, niêm phong Công ty để điều tra. Hành vi này là đúng hay sai?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để có thể khẳng định được đúng, sai trong trường hợp này, cần phải có đầy đủ các thông tin khác, cụ thể là nội dung của quyết định đình chỉ hoạt động của cơ quan công an, biên bản niêm phong và phạm vi niêm phong, giá trị pháp lý của quyết định đình chỉ, niêm phòng.
Tiếp đó, phải xác định được hành vi đưa máy móc, thiết bị ra vào công ty có bị coi là vi phạm quyết định đình chỉ, quyết định niêm phong hay không? Hàng hóa vận chuyển ra khỏi công ty có phải là hàng hóa nằm trong diện bị niêm phong hay không?
Chỉ khi xác định được các thông tin trên thì mới có thể kết luận được Nicotex Thanh Thái có vi phạm quyết định đình chỉ hoạt động và niêm phong hay không?
Phóng viên: Theo luật môi trường thì với những vi phạm như thế nào doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện tại theo quy định của luật bảo vệ môi trường năm 2005 thì với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 có ba tội quy định tội phạm về môi trường là:
- Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182),
- Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 182a)
- Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường (Điều 182b).
Vấn đề cần phải xác định trong vụ việc này là hậu quả của việc chôn thuốc trừ sâu vốn được coi là chất độc hại xuống đất của Công ty Nicotex Thanh Thái đã gây ra hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không hoặc mức độ xả thải có vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải nguy hại ở mức nghiêm trọng hay không? Nếu không xác định được các yếu tố này thì sẽ khó có thể xử lý hình sự được.
Trong trường hợp vụ việc không thể được xử lý hình sự thì Nicotex Thanh Thái sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định của
Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo quy định của Nghị định này Nicotex Thanh Thái có thể bị xử lý với mức phạt lên đến 500 triệu đồng cho hành vi chôn thuốc trừ sâu tùy vào mức độ vi phạm, ngoài ra Nicotex Thanh Thái phải thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả xảy ra và có thể bị cấm hoạt động.
Ngoài việc bị phạt tiền, buộc khắc phục thiệt hại và các biện pháp xử phạt bổ sung khác, Nicotex Thanh Thái sẽ phải có trách nhiệm bồi thường cho cơ quan có thẩm quyền do môi trường bị ô nhiễm.
Cụ thể, UBND xã nơi có thuốc trừ sâu bị chôn có trách nhiệm yêu cầu Nicotex Thanh Thái phải bồi thường thiệt hại đã gây ra. Nếu phạm vi chôn vượt quá địa giới của hai xã thì UBND huyện nơi xảy ra hành vi chôn thuốc trừ sâu có quyền yêu cầu Nicotex Thanh Thái phải bồi thường. Mức bồi thường được xác định dựa trên quy định của Nghị định số 113/2010/NĐ-CP ngày 03/12/2010 của chính phủ về xác định thiệt hại đối với môi trườngPhóng viên: Hiện tại bà con vùng bị ô nhiễm rất cần sự giúp đỡ của luật sư, vậy ông có chia sẻ gì với bà con không?Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nhân dân tại khu vực bị ô nhiễm cần phải bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để giải quyết nghiêm vụ việc. Tránh việc tự thực hiện các biện pháp xử lý trái pháp luật.
Ngoài ra, như trên đã trình bày, nhân dân có quyền yêu cầu UBND cấp xã nơi xảy ra vụ chôn hóa chất yêu cầu Nicotex Thanh Thái phải bồi thường theo các quy định đã viện dẫn nêu trên. Tôi lưu ý rằng, việc bồi thường này là trách nhiệm giữa Nicotex Thanh Thái với cơ quan quản lý môi trường.
Nếu người dân cảm thấy sức khỏe bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường xuất phát từ hành vi vi phạm của Nicotex Thanh Thái có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại dân sự cho cá nhân mình. Nếu có nhiều người dân bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng thì nhân dân có thể yêu cầu cơ quan tổ chức đại diện cho quyền lợi tập thể của mình như Hội nông dân đứng ra khởi kiện hoặc thương lượng mức bồi thường với Nicotex Thanh Thái.
Với tư cách là Luật sư, tôi sẵn sang hỗ trợ pháp lý cho nhân dân bị thiệt hại trong trường hợp này.