Câu Hỏi: Kính chào luật sư, tôi muốn hỏi trong trường hợp hợp đông các bên có điều khoản cam đoan và bảo đảm” (Representations and Warranties), nếu có sự vi phạm các điều khoản này, có thể được xem là vi phạm hợp đồng và bên bị vi phạm có quyền yêu cầu hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng và bồi thường thiệt hại hay không? Kính mong luật sư tư vấn giúp tôi
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Cam đoan và bảo đảm là các điều khoản thường được sử dụng trong các hợp đồng được xây dựng trên cơ sở hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, theo đó trình bày các sự kiện thực tế đúng tại thời điểm giao kết hợp đồng và được “lặp lại” phải đúng tại thời điểm thực hiện giao dịch quy định trong hợp đồng và các thời điểm khác do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên đưa ra cam đoan và bảo đảm không chính xác, dựa trên quy định của BLDS hiện hành, việc hủy bỏ, đơn phương chấm dứt và bồi thường thiệt hại được xác định như sau:
Hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng được quy định từ Điều 422 đến Điều 428 của Bộ luật Dân sự 2015. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng khi (i) bên kia “vi phạm hợp đồng” và việc “vi phạm hợp đồng” là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận, (ii) bên kia vi phạm nghiêm trọng “nghĩa vụ hợp đồng” hoặc (iii) các trường hợp khác theo quy định của luật. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi (i) bên kia vi phạm nghiêm trọng “nghĩa vụ hợp đồng”, (ii) theo thỏa thuận của các bên hoặc (iii) các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Ngoài các trường hợp khác, hợp đồng chấm dứt trên cơ sở (i) theo thỏa thuận của các bên và (ii) khi hợp đồng bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện.
Cả hủy bỏ và đơn phương chấm dứt hợp đồng đều có thể thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của các bên khi có vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, các quyền trên chỉ phát sinh khi có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng. Do vậy, nếu việc đưa ra cam đoan và bảo đảm không đúng không được xem là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng khi các bên có thỏa thuận về việc hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này.
Bồi thường thiệt hại. Theo Điều 360 của Bộ luật Dân sự 2015, bên vi phạm “nghĩa vụ” phải bồi thường thiệt hại phát sinh từ vi phạm. Khác với quyền yêu cầu hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và không phát sinh khi có vi phạm hợp đồng mà không phải là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Như đã phân tích trên đây, do cam đoan và bảo đảm là các tuyên bố về sự kiện thực tế nên việc đưa ra cam đoan và bảo đảm đúng không có cơ sở rõ ràng theo quy định của pháp luật để được xem là nghĩa vụ hợp đồng. Do cơ sở theo quy định của pháp luật để yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp một bên đưa ra cam đoan và bảo đảm sai không rõ ràng, việc bồi thường thiệt hại đối với việc cam đoan, bảo đảm sai chỉ đặt ra trong trường hợp các bên có thỏa thuận việc đưa ra các cam đoan và bảo đảm không đúng tại thời điểm các cam đoan và bảo đảm được đưa ra và “lặp lại” là sự kiện làm phát sinh quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên bị vi phạm.